Viện Du lịch Trung Quốc, cơ quan trực thuộc Bộ Văn hóa - Du lịch, ước tính sẽ có hơn 100 triệu chuyến đi mỗi ngày trong Tuần lễ vàng. Ngoài ra, theo ứng dụng Umetrip, số lượng chuyến bay hằng ngày dự kiến cao hơn 20% so với dịp lễ năm 2019.
Theo Reuters, diễn biến trên có thể thúc đẩy tiêu dùng trong nước nhưng khiến các công ty lữ hành không khỏi thất vọng bởi họ kỳ vọng vào sự hồi phục của thị trường du lịch nước ngoài thời hậu đại dịch COVID-19.
Trước đó, dịp lễ này thường chứng kiến nhiều người trung lưu Trung Quốc đi chơi nước ngoài bên cạnh hàng triệu người chọn về quê.
Khung cảnh tại một nhà ga xe lửa ở TP Hàng Châu - Trung Quốc hôm 29-9 Ảnh: REUTERS
Theo ông Boon Sian Chai, Giám đốc điều hành kiêm Phó Chủ tịch thị trường quốc tế của Trip.com (nền tảng du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc), dữ liệu cho thấy du lịch nội địa đang hồi phục nhưng thị trường du lịch nước ngoài hiện chỉ bằng 60% so với trước đại dịch.
Chi phí được xem là nguyên nhân chính bởi giá vé trung bình của chuyến bay Trung Quốc ra nước ngoài cao hơn 30% so với trước đại dịch, một phần do các hãng hàng không chưa nối lại lịch bay hoàn toàn.
Sự hồi phục của kinh tế Trung Quốc vẫn còn mong manh giữa lúc thị trường việc làm suy yếu và thu nhập thấp đang ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng.
Kết quả cuộc khảo sát được Công ty nghiên cứu China Beige Book (Trung Quốc) công bố hôm 29-9 cũng phần nào nêu bật những thách thức mà nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang đối mặt. Cụ thể, hoạt động vay của doanh nghiệp giảm xuống mức rất thấp trong tháng 9, lĩnh vực bất động sản sa sút hơn nữa...
Vì thế, số tiền được chi tiêu trong nước vào dịp Tuần lễ vàng năm nay sẽ là thước đo đáng kể về nhu cầu tiêu dùng, yếu tố quan trọng cho tiềm năng tăng trưởng dài hạn của kinh tế Trung Quốc. Ngoài ra, theo đài CNBC, 3 tháng cuối năm 2023 dự kiến mang lại cái nhìn rõ hơn về triển vọng kinh tế và sự hỗ trợ của Bắc Kinh, nhất là trong lĩnh vực bất động sản.
Bình luận (0)