Giữa lúc tình hình Ukraine căng thẳng vì chuyện cử tri Crimea bỏ phiếu ủng hộ gia nhập Nga, ít ai để ý nước Ý cũng đang có cuộc bỏ phiếu tương tự dù không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý.
Sẽ có Cộng hòa Veneto?
Theo đài BBC, cử tri vùng Veneto hôm 16-3 bắt đầu bỏ phiếu trên mạng về việc có tách khỏi nước Ý hay không. Giới truyền thông địa phương không mặn mà lắm với cuộc bỏ phiếu kéo dài 6 ngày này.
Dù vậy, các nhà tổ chức hy vọng ít nhất 50% trong số khoảng 3,8 triệu cử tri hợp lệ của vùng Veneto - bao gồm thủ phủ Venice và những thành phố như Treviso, Vicenza, Verona... - tham gia bỏ phiếu.
Các nhà hoạt động và chính đảng địa phương đã đứng ra tổ chức cuộc trưng cầu ý dân nói trên với hy vọng lập được cái gọi là nước Cộng hòa Veneto. Theo họ, cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy 65% cử tri Veneto ủng hộ tách khỏi nước Ý.
Nhiều người dân tại vùng đất giàu có này bất bình khi phải chia sẻ gánh nặng tài chính cho các khu vực khác của đất nước trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Venice từng là thủ phủ của Cộng hòa Veneto, một thời là quốc gia thịnh vượng nhờ giao dịch thương mại suốt 1.000 năm cho đến khi bị hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte xâm chiếm năm 1797 và sau đó bị sáp nhập vào Ý năm 1866.
Dù không mang tính ràng buộc pháp lý nhưng nếu đa số cử tri ủng hộ tách Veneto khỏi Ý, các nhà hoạt động sẽ tiếp tục đi đến cái đích giữ lại tiền thuế ở địa phương. Đây có thể xem là hành động đơn phương tuyên bố độc lập của khu vực này.
Ông Lodovico Pizzati, người phát ngôn của phong trào ủng hộ độc lập cho Veneto, nói với báo Telegraph (Anh): “Nếu đa số cử tri ủng hộ, chúng tôi sẽ nhờ các học giả soạn tuyên bố độc lập. Ngoài ra, không ít doanh nghiệp trong vùng cho biết sẵn sàng đóng thuế cho chính quyền địa phương thay vì Rome”.
Tâm trạng ly khai gia tăng
Đài BBC cho rằng cuộc trưng cầu ý dân nói trên phần nào cho thấy tâm trạng ly khai đang gia tăng ở một số khu vực ở châu Âu. Cử tri Scotland vào tháng 9 tới dự kiến bỏ phiếu để quyết định xem có tiếp tục là một phần của Vương quốc Anh hoặc tách ra thành một nước độc lập.
Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy đa số người dân Scotland không muốn tách khỏi Vương quốc Anh dù khoảng cách giữa họ và những người ủng hộ đang thu hẹp dần. Trong khi đó, khoảng phân nửa người dân vùng Catalonia đang muốn tách khỏi Tây Ban Nha.
Chính phủ Canada cũng đang đối mặt với một cuộc chiến khác từ những người đòi ly khai tại Quebec sau khi bà Pauline Marois, thủ hiến tỉnh này, kêu gọi bầu cử vào ngày 7-4. Theo các cuộc thăm dò dư luận, đảng Parti Quebecois chủ trương tách Quebec khỏi Canada của bà Marois có thể giành đủ sự ủng hộ để thành lập chính quyền đa số ở địa phương này.
Một kết quả như thế có thể mở đường cho Quebec, khu vực nói tiếng Pháp, tiến hành trưng cầu ý dân để ly khai khỏi Canada. Ông Harold Chorney, giáo sư khoa học chính trị Trường ĐH Concordia (Canada), nhận định: “Nếu Parti Quebecois chiếm đa số ghế trong cơ quan lập pháp địa phương, họ chắc chắn sẽ tổ chức trưng cầu ý dân”.
Trước đó, đã có 2 cuộc bỏ phiếu tương tự diễn ra trong thời gian Parti Quebecois chiếm đa số ghế trong cơ quan lập pháp Quebec (vào các năm 1980 và 1995) nhưng không thành công.
Lo ngại, chính phủ Canada hồi tháng 10-2013 đã đệ đơn lên tòa án yêu cầu vô hiệu hóa điều luật 99 của chính quyền Quebec. Điều luật 99 quy định Quebec có quyền ly khai và tuyên bố độc lập nếu ít nhất 51% cử tri ủng hộ trong cuộc trưng cầu ý dân.
Bình luận (0)