Theo Cục Môi trường Malaysia, 11 khu vực ở nước này có chỉ số ô nhiễm không khí (API) ở mức gây hại cho sức khỏe người dân tính đến cuối ngày 2-10.
Dù vậy, đến ngày 3-10, con số này giảm xuống còn 4, gồm các thành phố Nilai và Seremban ở bang Negeri Sembilan, TP Shah Alam ở bang Selangor và thị trấn Cheras gần thủ đô Kuala Lumpur. Bộ Y tế Malaysia đã khuyến cáo người dân có các biện pháp phòng ngừa như hạn chế hoạt động ngoài trời và đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Vào tuần rồi, Malaysia cho rằng các vụ cháy rừng và đất than bùn ở Indonesia gây ra tình trạng ô nhiễm trên. Tuy nhiên, bà Siti Nurbaya Bakar, Bộ trưởng Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia, khẳng định không có khói mù từ cháy rừng ở nước này lan sang Malaysia.
Khói mù tại thủ đô Kuala Lumpur – Malaysia hôm 3-10 Ảnh: Reuters
Dù vậy, các vụ cháy rừng trên đảo Sumatra - Indonesia khiến giới chức địa phương hôm 2-10 thúc giục người dân làm việc ở nhà. Hiện có khoảng 316 điểm xảy ra cháy ở tỉnh Nam Sumatra.
Tuy nhiên, nỗ lực ứng phó gặp nhiều khó khăn do thời tiết khô hạn. Khói mù từ các đám cháy đã lan đến Palembang, thủ phủ tỉnh Nam Sumatra, ảnh hưởng đến khoảng 1,7 triệu người tại đó.
Trong khi đó, nước Úc cũng đang đau đầu với các vụ cháy rừng ở miền Đông Nam trong bối cảnh nắng nóng hoành hành. Theo Reuters, lửa đã hoành hành tại một khu vực rừng có diện tích 17.000 ha ở bang Victoria hôm 3-10.
Khoảng 650 lính cứu hỏa được triển khai để đối phó vụ cháy rừng này. Trong khi đó, nhà chức trách bang Tasmania thúc giục người dân trên đảo Flinders sơ tán để tránh một vụ cháy rừng đang vượt tầm kiểm soát.
Ngoài ra, bang New South Wales chứng kiến 82 vụ cháy rừng xảy ra hôm 3-10, trong đó 16 vụ chưa được khống chế. Nước Úc vừa trải qua tháng 9 khô hạn nhất từng được ghi nhận với lượng mưa thấp hơn 71% so với mức trung bình giai đoạn 1961-1990.
Bình luận (0)