xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhiều nước “sốc” vì giá dầu

Hoàng Phương

Những nước đang sống nhờ vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí sẽ sốc mạnh, trong đó thê thảm nhất là Nga, Iran, Venezuela

Tình trạng giá dầu hiện nay đe dọa lật lại trang sử hỗn loạn của 3 thập kỷ trước đó khi giá dầu giảm góp phần dẫn đến cuộc khủng hoảng nợ của Mexico và sự sụp đổ của Liên Xô.

Theo hãng tin Bloomberg hôm 1-12, giá dầu đã giảm 37% trong năm nay và về lý thuyết, hoạt động sản xuất dầu vẫn tiếp tục cho đến khi giá thành thấp hơn chi phí khai thác hằng ngày.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính hầu hết nhà sản xuất dầu khí đá phiến ở Mỹ có thể kiếm lời với giá từ 42 USD/thùng trở lên. Ông Paul Stevens, một chuyên gia về năng lượng của tổ chức Chatham House (Anh), nói thêm một số nhà sản xuất có thể huề vốn với mức 40 USD/thùng hoặc thấp hơn.

Vì thế, đã xuất hiện dự báo giá dầu có thể giảm từ gần 70 USD/thùng hiện nay xuống 40 USD hoặc thấp hơn, điều từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. “Giá dầu có thể tụt xuống 30-40 USD/thùng. Nó từng ở mức 35 USD/thùng trong thời gian rất ngắn hồi năm 2008” - ông Murray Edwards, Chủ tịch Công ty Canadian Natural Resources Ltd, nói với báo Canada Post mới đây.

 

Giàn khoan dầu ngoài khơi bờ biển TP Ciudad del Carmen - MexicoẢnh: Bloomberg

Giàn khoan dầu ngoài khơi bờ biển TP Ciudad del Carmen - Mexico. Ảnh: Bloomberg

 

Một kịch bản như thế sẽ là cú sốc lớn đối với những nước đang sống nhờ vào xuất khẩu dầu khí, như Nga, Iran, Venezuela, Nigeria...

Theo tính toán hồi tháng 10 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Iran và Nga cần giá dầu lần lượt ở 136 và 101 USD/thùng để cân bằng ngân sách. Con số này với Venezuela và Nigeria là 120 USD/thùng. Ngoài ra, một số “đại gia” như Kuwait, Qatar, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất... có thể bị lỗ nếu giá dầu xuống dưới 70 USD/thùng.

Với việc dầu khí chiếm 68% tổng kim ngạch xuất khẩu và đóng góp 50% ngân sách liên bang, giới phân tích cho rằng Nga đặc biệt dễ bị tổn thương khi giá dầu không ngừng đi xuống. Theo họ, Moscow không còn dựa được vào nguồn thu này để giải cứu nền kinh tế đang bị các biện pháp trừng phạt của phương Tây “hành hạ”.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố giá dầu giảm cũng không thể buộc Moscow đáp ứng yêu sách của phương Tây về vấn đề Ukraine. Nhà lãnh đạo này thậm chí tin rằng thị trường sẽ bắt đầu cân bằng trở lại trong quý I/2015.

Trong khi đó, Iran nhiều khả năng phải giảm trợ giá xăng dầu trong nước để giảm bớt thiệt hại. Nigeria và Venezuela, 2 nước đang gặp rắc rối về an ninh, chính trị và kinh tế, cũng thuộc số những quốc gia bị thiệt hại nhiều nhất từ quyết định giữ nguyên sản lượng khai thác 30 triệu thùng/ngày của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vào tuần rồi và để thị trường quyết định giá dầu.

Ở chiều ngược lại, hãng tin AP nhận định người tiêu dùng và doanh nghiệp tại những khu vực nhập khẩu dầu, như châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ... sẽ hưởng lợi.

Giá xăng tại Mỹ, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, đã xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010. Tuy nhiên, một số nhà sản xuất dầu khí đá phiến ở Mỹ cũng phải giảm bớt hoạt động do lợi nhuận không ngừng sụt giảm.

Nhiều nền kinh tế châu Âu đang nhập khẩu dầu nên giá dầu giảm nhiều khả năng sẽ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, dù không nhiều. Giá năng lượng rẻ hơn sẽ giảm chi phí của ngành công nghiệp trong lúc người tiêu dùng có thêm tiền chi tiêu do giá xăng giảm, một kịch bản đặc biệt có lợi tại những nước có tỉ lệ thất nghiệp cao.

Là nước nhập khẩu dầu nên Nhật Bản nhiều khả năng sẽ chứng kiến giá hàng hóa giảm. Tuy nhiên, điều này cũng làm phức tạp nỗ lực chấm dứt giảm phát của chính phủ. Tại Trung Quốc, giá nhiên liệu thấp hơn có thể giảm bớt sức ép tài chính lên nhà sản xuất và doanh nghiệp nhỏ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm dần trong 2 năm qua.

Tại một số nước châu Á khác, tác động của giá dầu thấp là khác nhau. Chẳng hạn căng thẳng quanh việc chính phủ giảm trợ giá xăng dầu sẽ dịu bớt tại Indonesia trong lúc Malaysia ít nhiều tổn thất do là nước xuất khẩu dầu.

 

Nhân viên y tế Nga biểu tình

Hơn 5.000 nhân viên y tế Nga xuống đường phản đối việc cải cách ngành y tế tại thủ đô Moscow hôm 30-11. Thậm chí, một số người mang theo các mô hình quan tài biểu thị sự chết chóc nếu thiếu thốn dịch vụ y tế. Theo truyền thông Nga, hơn 7.000 bác sĩ sẽ bị sa thải và 28 bệnh viện và phòng khám ở Moscow bị đóng cửa trong vài tháng tới khi cải cách bắt đầu. Nhiều thành phố như St. Petersburg, Perm, Bryansk, Vladivostok, Blagoveshchensk... cũng biểu tình tương tự Moscow.

Các nhà chức trách nói những thay đổi này nhằm hiện đại hóa hệ thống y tế không hiệu quả và mở đường cho cam kết tăng tiền lương cho nhân viên y tế của Tổng thống Vladimir Putin trước cuộc bầu cử. Tuy nhiên, những người biểu tình lo rằng đây thực ra là một cách tiết kiệm tiền trước áp lực về ngân sách khi Nga đang chịu trừng phạt từ phương Tây và giá dầu sụt giảm.

Huệ Bình

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo