Chất Gelatin chiết xuất từ những con lừa được xem là thành phần quan trọng của ejiao - loại thuốc xa xỉ có khả năng chữa nhiều thứ bệnh từ cảm lạnh cho đến mất ngủ, rất được người Trung Quốc ưa chuộng.
Tuy nhiên, do quần thể lừa ở Trung Quốc giảm mạnh từ 11 triệu con xuống còn 6 triệu con trong vòng 20 năm qua nên Bắc Kinh phải tìm đến thị trường nước ngoài để bổ sung lượng cung bị thiếu hụt. Một trong các thị trường tiềm năng là châu Phi.
Nhưng gần đây, các quốc gia “châu lục đen” bắt đầu đề ra những biện pháp ngăn chặn việc xuất khẩu lừa sang Trung Quốc. Đặc biệt phải kể đến Niger, quốc gia châu Phi mới nhất thi hành lệnh cấm nói trên.
Giới chức Niger cho biết nước này đã xuất khẩu 80.000 con lừa trong năm nay, tăng đột biến so với 27.000 con năm 2015. Nếu trên đà hiện tại, quần thể lừa ở nước này sẽ bị suy kiệt.
Hồi tháng 8, Burkina Faso cũng thực hiện bước đi tương tự sau khi 45.000 con lừa bị giết trong vòng 6 tháng. Nước này hiện có khoảng 1,4 triệu con lừa.
Ngoài việc làm suy giảm quần thể lừa, hành động thu gom hàng loạt của Trung Quốc còn gây ảnh hưởng đến môi trường và kinh tế. Tại ngôi làng Balole ở Burkina Faso, nông dân địa phương đã tấn công và đóng cửa một lò mổ vì máu và nội tạng lừa khiến nguồn nước sinh hoạt của họ bị ô nhiễm.
Tiến sĩ Emmanuel Igbinoba cho biết các lĩnh vực chăn nuôi khác bị tác động mạnh do người dân chuyển hướng sang nuôi lừa, dẫn đến lạm phát và gây ra sự mất cân bằng trong nền kinh tế.
Theo ông Igbinoba, nếu các nước châu Phi có những biện pháp hỗ trợ khả thi, đầu tư cơ sở giết mổ đạt tiêu chuẩn cao... thì lừa sẽ mang lại nguồn thu đáng kể.
Burkina Faso hiện tại tìm cách điều tiết xuất khẩu lừa sang Trung Quốc nhưng khả năng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các nước trong châu lục. Chẳng hạn một số nền kinh tế lớn như Kenya và Nam Phi đang mở rộng ngành chăn nuôi lừa để đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc, bên cạnh thị trường chợ đen hoạt động bất kể ngày đêm.
Bình luận (0)