Ngày càng nhiều quốc gia dần nới lỏng biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại trong nỗ lực khôi phục kinh tế đang bị trúng đòn mạnh bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19). Tác động của dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất và nhu cầu tiêu dùng sụt giảm mạnh thời gian qua, phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu.
Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, Ý hôm 4-5 đã cho phép 4,5 triệu người trở lại làm việc sau gần 2 tháng ở nhà. Dù vậy, trong động thái cho thấy nỗi lo về dịch bệnh vẫn còn đó, hầu hết cửa hàng vẫn phải đóng cửa đến ngày 18-5 trong lúc trường học, rạp chiếu phim… ngưng hoạt động vô thời hạn.
Còn tại Mỹ - nơi có số ca nhiễm và trường hợp tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới (ít nhất 1,2 triệu và 70.000), thêm nhiều bang bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm vào doanh nghiệp. Đáng chú ý, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo hôm 4-5 công bố kế hoạch dần mở cửa lại kinh tế địa phương gồm 4 giai đoạn, trong đó khởi đầu với những lĩnh vực như sản xuất, xây dựng... và tại những khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.
Thống đốc Cuomo không đưa ra thời gian biểu cho kế hoạch trên nhưng lệnh ở nhà được thực thi tại bang này sẽ hết hiệu lực vào ngày 15-5. Quan chức này trước đó từng cho biết những khu vực nào có ít ca nhiễm và đủ giường bệnh trống có thể xem xét mở cửa lại hoạt động kinh tế sau ngày 15-5.
Nhân viên một nhà máy của hãng xe Ferrari ở thị trấn Maranello tại Ý đi làm trở lại hôm 4-5 Ảnh: Reuters
Khắp thế giới, một loạt quốc gia như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bỉ, Phần Lan Nigeria, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Israel, Lebanon cũng đang lần lượt mở cửa lại nhà máy, công trường xây dựng, công viên, tiệm hớt tóc, thư viện… Riêng nước Đức trong ngày 6-5 dự kiến tiến thêm bước nữa trên con đường dài để trở lại cuộc sống bình thường thời hậu Covid-19: Thủ tướng Angela Merkel và các thủ hiến bang đã nhất trí nới lỏng hơn nữa các quy định giãn cách xã hội, như bật đèn xanh để các cửa hàng lớn mở cửa lại. Trước đó, các cửa hàng nhỏ đã được phép nối lại hoạt động với điều kiện phải tuân thủ các quy định giãn cách xã hội để ngăn dịch bệnh lây lan.
Theo Reuters, số ca mắc Covid-19 hằng ngày trên thế giới chỉ tăng 2%-3% trong tuần vừa qua, so với mức 13% vào giữa tháng 3. Tuy nhiên, khi chưa có vắc-xin phòng ngừa hoặc thuốc đặc trị Covid-19, người dân trên thế giới phải dần thích ứng với sự hiện diện của các biện pháp hạn chế, giãn cách xã hội và tiêu chuẩn vệ sinh trong gần như mọi hoạt động thường nhật. Chẳng hạn tại Hồng Kông, theo báo The New York Times, bàn ăn ở các nhà hàng phải được bố trí cách nhau ít nhất 1,5 m và khách hàng được phát túi để đựng khẩu trang khi dùng bữa. Trong khi đó, các tiệm làm tóc ở TP Sydney - Úc khi mở cửa lại đã cung cấp khẩu trang và nước rửa tay cho khách hàng.
Chính phủ nhiều nước hy vọng có thể vừa khống chế được dịch bệnh vừa tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế và xã hội được nối lại, bằng cách thử nghiệm một loạt hướng dẫn mới về giãn cách xã hội và tiêu chuẩn vệ sinh, như yêu cầu đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng, khuyến cáo tránh tương tác mặt đối mặt tại nơi làm việc...
Sự thận trọng là không thừa bởi nỗi lo dịch Covid-19 có thể nghiêm trọng trở lại nếu mở cửa lại quá nhanh. Một mô hình của Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe Mỹ (IHME) hôm 4-5 dự báo số trường hợp tử vong vì Covid-19 tại nước này sẽ tăng lên mức 134.475 vào ngày 4-8, gần gấp đôi so với con số 72.433 được đưa ra hôm 29-4. Theo IHME, sự gia tăng này liên quan đến việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại khi các bang bắt đầu mở cửa.
Nỗ lực mở cửa lại biên giới Úc - New Zealand
Úc và New Zealand ngày 5-5 cho biết nỗ lực khôi phục hoạt động đi lại giữa 2 nước sẽ cần thêm thời gian sau khi dịch Covid-19 tạm thời được khống chế. Hai nước này đã đóng cửa biên giới được hơn 1 tháng đối với người nước ngoài và áp đặt lệnh cách ly bắt buộc đối với bất kỳ công dân nào trở về nước.
Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết hoạt động di chuyển qua biển Tasman giữa 2 nước sẽ là tuyến đường quốc tế đầu tiên được nối lại và có thể bắt đầu vào thời điểm khởi động lại các chuyến bay nội địa. Theo hãng tin Reuters, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nhất trí động thái trên sẽ diễn ra khi cả 2 nước cảm thấy thoải mái và tự tin rằng không bên nào phải tiếp nhận các ca nhiễm của nhau.
Chính phủ New Zealand đã nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội. Điều này cũng diễn ra tại một số bang và vùng lãnh thổ ở Úc. Dù vậy, 2 nước này vẫn hạn chế tụ tập quy mô lớn và hoạt động đi lại không cần thiết. Việc khôi phục hoạt động đi lại sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả 2 nước trong bối cảnh các quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt gây không ít thiệt hại về kinh tế. Úc ngày 5-5 ghi nhận hơn 6.800 ca nhiễm và 96 trường hợp tử vong do Covid-19, trong khi 2 con số này ở New Zealand là gần 1.500 và 20.
Xuân Mai
Bình luận (0)