Trước hiện tượng các quan chức Trung Quốc có dấu hiệu tham nhũng hoặc sắp bị điều tra “chết bất thường” tăng mạnh, giới lãnh đạo cấp cao nước này đã vào cuộc để làm rõ thực hư.
Lỗ hổng pháp lý
Đối tượng quan chức “chết bất thường” được yêu cầu thống kê theo 6 nhóm, cấp bậc từ trung ương tới địa phương. Ban Tổ chức trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc yêu cầu danh sách thống kê quan chức nói trên phải ghi rõ nội dung mỗi vụ việc, chẳng hạn như cần phải làm rõ địa điểm, cách thức tự tử. Ngay cả trong phần địa điểm tự tử phải nói rõ rằng tại trụ sở cơ quan, nhà riêng, khách sạn, nhà nghỉ, văn phòng chỉ đạo chống tham nhũng, đồn cảnh sát, cầu, công viên, bệnh viện... Phương thức tự tử của các quan chức cũng cần cụ thể như treo cổ, nhảy lầu, nhảy cầu, cắt mạch máu, uống thuốc ngủ… Về nguyên nhân tự tử, danh sách thống kê phải ghi cụ thể: vi phạm kỷ luật - pháp luật, trầm cảm, tâm thần, áp lực công việc lớn, áp lực cuộc sống quá lớn, mâu thuẫn gia đình hay không rõ nguyên nhân. Bên cạnh đó, vào thời điểm quan chức tự tử, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) có điều tra họ hoặc những người liên quan hay không.
Tờ Minh báo (Hồng Kông) dẫn lời giáo sư Học viện Hành chính quốc gia Trung Quốc Uông Ngọc Khải cho rằng không ít quan chức tự tử vì áp lực của cuộc chiến chống tham nhũng. Việc nắm rõ các số liệu liên quan đến trường hợp “chết bất thường” hết sức cần thiết vì trước nay, dư luận xã hội cho rằng tự tử là lựa chọn tốt nhất cho quan tham. Tương tự, ông Lâm Triết, một giáo sư tại Trường Đảng trung ương Trung Quốc, nhận định tự tử đã trở thành lỗ hổng pháp lý để các quan chức tham nhũng thoát tội. Ông Trương Minh, giáo sư khoa học chính trị Trường ĐH Nhân dân ở Bắc Kinh, lý giải rằng các quan chức tự tử để bảo vệ cấp trên hoặc người thân khỏi việc trở thành mục tiêu của quá trình điều tra tham nhũng. Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 năm 2012 khiến tỉ lệ quan chức, tướng lĩnh “chết bất thường” tăng cao. Do đó, việc thống kê này sẽ giúp Bắc Kinh điều chỉnh đường hướng sắp tới của cuộc chiến chống tham nhũng.
Hơn 1.000 quan chức tự tử
Trong chiến dịch chống tham nhũng đang tiến hành, hơn 70.000 quan chức bị điều tra, truy tố hay cách chức. Theo Phương Nam Cuối tuần, từ cuối tháng 8-2003 đến đầu tháng 4-2014, có 112 quan chức Trung Quốc tự tử. Như vậy, bình quân hơn 10 người tự kết liễu trong 1 năm ở 26 tỉnh - thành, trong đó 70% là quan chức cấp sở trở xuống. Sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình điều tra tham nhũng trong quân đội, cho đến nay có ít nhất 3 viên tướng tự tử (2 người nhảy lầu và 1 người treo cổ). Trong khi đó, một báo cáo được cho là của CCDI thống kê hơn 1.000 quan chức tự tử, 6.000 người biến mất và trên 8.000 người ôm tiền bỏ trốn ra nước ngoài nhưng không nêu rõ thời gian những vụ việc này xảy ra.
Trong thời gian tới, cuộc chiến chống tham nhũng sẽ được đẩy mạnh trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình Trung Quốc. Bà Lý Thu Phương - người đứng đầu đơn vị thuộc CCDI tại Cục Quản lý Nhà nước về báo chí, xuất bản, phát thanh, điện ảnh và truyền hình Trung Quốc - cho biết đơn vị đã nghiên cứu các “luật bất thành văn” của các quan chức tham nhũng trong ngành công nghiệp này và phát hiện nhiều “ổ” tham nhũng thông qua việc mua các bộ phim truyền hình, tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật quy mô lớn hoặc lập các kênh truyền hình vệ tinh.
Theo bà Lý, năm 2014, có 49 quan chức trong lĩnh vực này bị điều tra tham nhũng và đây là con số cao nhất trong 5 năm qua. Chỉ tính riêng các kênh truyền thông tài chính - kinh doanh, đã có 8 giám đốc điều hành, chủ nhiệm và giám đốc chương trình bị bắt để phục vụ công tác điều tra tham nhũng. Thời báo Bắc Kinh cho biết 6 quan chức đài truyền hình tỉnh An Huy sa lưới kể từ tháng 10-2014. Một quan chức phụ trách việc kiểm duyệt các bộ phim truyền hình của các nhà sản xuất Trung Quốc lãnh án 10 năm rưỡi tù giam vì nhận hối lộ 300.000 nhân dân tệ.
Bình luận (0)