Dự kiến diễn ra tại thị trấn Sharm el-Sheikh (Ai Cập) từ ngày 6 đến 18-11, Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) bị phủ bóng bởi nhu cầu ngày càng tăng của nhóm nước nghèo cần hỗ trợ tài chính để đối phó không chỉ với các tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai mà còn về thiệt hại về người và kinh tế.
Tại hội nghị này, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ đối mặt nhiệm vụ khó khăn là tìm ra biện pháp ngăn chặn tình trạng toàn cầu ấm dần lên trong bối cảnh xảy ra nhiều thách thức địa chính trị nghiêm trọng, như xung đột Nga - Ukraine, hỗn loạn kinh tế...
Theo hãng tin Reuters, mỗi quốc gia thành viên Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đều có những mối bận tâm và lợi ích riêng, đe dọa đến nỗ lực tìm được tiếng nói chung tại Hội nghị COP27.
Trước thềm hội nghị, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cảnh báo trái đất đang rơi vào "tình trạng hỗn loạn khí hậu không thể đảo ngược" và kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu cắt giảm khí thải, giữ lời hứa tài trợ các nước đang phát triển chống biến đổi khí hậu và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Cũng theo ông Guterres, kết quả quan trọng nhất của Hội nghị COP27 là phải có ý chí chính trị rõ ràng để đẩy nhanh giảm khí thải.
Hội nghị COP27 dự kiến diễn ra tại thị trấn Sharm el-Sheikh (Ai Cập) từ ngày 6 đến 18-11Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, Ấn Độ hôm 4-11 kêu gọi các nước giàu thực hiện đúng cam kết cung cấp 100 tỉ USD hằng năm để giúp các quốc gia đang phát triển đối phó biến đổi khí hậu. Theo chính phủ Ấn Độ, lời hứa tài trợ 100 tỉ USD/năm từ năm 2020 cho đến năm 2025 vẫn chưa thành hiện thực. Không dừng lại ở đó, quốc gia Nam Á này còn cho rằng khoản tiền này cần được tăng thêm trong tương lai.
Nhiều chuyên gia cho rằng kết quả cuộc đàm phán tại Hội nghị COP27 có thể chịu tác động của mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc.
Trong quá khứ, hai nền kinh tế hàng đầu này từng giúp tiến trình ngoại giao khí hậu đạt kết quả đột phá. Nỗi lo lúc này là trong trường hợp tình hình chính trị xấu đến mức hai nước không chịu nói chuyện với nhau, các mục tiêu đề ra sẽ khó đạt được.
Trong khi đó, sự xuất hiện của Tổng thống đắc cử Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, người cam kết mục tiêu không phá rừng ở Amazon và đảo ngược các chính sách khai thác của người tiền nhiệm, sẽ là một điểm sáng tại sự kiện sắp tới.
Theo Reuters, 1 năm sau khi hơn 140 quốc gia cam kết sẽ chấm dứt phá rừng vào năm 2030, việc hỗ trợ tài chính cho các biện pháp bảo vệ hoặc thông qua luật bảo tồn mới vẫn còn hạn chế.
Bình luận (0)