Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi được truyền thông Mỹ dự đoán đắc cử hôm 7-11, ông Joe Biden cam kết nỗ lực đoàn kết đất nước để chống lại khủng hoảng Covid-19, tái thiết kinh tế, bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho người dân và loại bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có hệ thống (trên thực tế, trong lịch sử các cuộc bầu cử, kết quả chính thức thường trùng với tính toán và dự đoán của các hãng truyền thông lớn).
Không nhắc đến Tổng thống Donald Trump, ông Joe Biden đã gửi nhắn nhủ đến hơn 70 triệu cử tri bỏ phiếu ủng hộ ông chủ Nhà Trắng, kể cả những người xuống phố biểu tình phản đối kết quả bầu cử. "Hãy cho nhau một cơ hội. Đây là lúc chữa lành nước Mỹ" - ông kêu gọi trong thông điệp phần nào nêu bật sự chia rẽ của đất nước.
Trong lúc chờ kết quả bầu cử được chính thức công nhận, ông Biden đang tập trung vào những thách thức khác của tiến trình chuyển giao quyền lực, trong đó nổi bật quyết định về nhân sự và kế hoạch đối phó đại dịch Covid-19 đang lan mạnh.
Theo AP, ưu tiên hàng đầu của ông Biden là nhanh chóng lựa chọn người ngồi vào chiếc ghế chánh Văn phòng Nhà Trắng và "lắp ráp các mảnh ghép" cần thiết để giải quyết khủng hoảng Covid-19, trong đó có việc đề cử người đứng đầu Bộ Tài chính, Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ, giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia.
Ông Joe Biden ăn mừng cùng người nhà tại TP Wilmington, bang Delaware hôm 7-11 sau khi truyền thông Mỹ dự đoán ông đắc cửẢnh: REUTERS
Theo cựu Thượng nghị sĩ Ted Kaufman, cố vấn cấp cao của ông Biden, nhóm chuyển giao quyền lực sẽ tập trung vào "những chi tiết cơ bản, thiết thực" về việc thành lập một chính quyền mới trong vài ngày tới.
Ông Kaufman cho biết ông Biden đã lên kế hoạch trò chuyện với giới lãnh đạo lập pháp và thống đốc của Đảng Cộng hòa lẫn Đảng Dân chủ. Từng là một thượng nghị sĩ trong nhiều thập kỷ và phó tổng thống trong 8 năm, ông Biden hiểu rõ các hoạt động của chính phủ.
Theo báo The Straits Times (Singapore), đánh bại Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử chỉ là thử thách ban đầu trong hàng loạt thách thức chờ ông Biden. Sẽ không dễ để ông Biden lãnh đạo một đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc giữa khủng hoảng Covid-19.
Nếu chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ theo đúng kế hoạch, ông Biden nhiều khả năng đưa vấn đề biến đổi khí hậu trở lại trung tâm của tiến trình hoạch định chính sách tại Washington, với việc đưa Mỹ tái gia nhập Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Mỹ nhiều khả năng cũng đảo ngược quyết định rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới của chính quyền ông Trump và khởi động quá trình đàm phán ngoại giao với Iran. Các cuộc đàm phán sâu rộng với Trung Quốc cũng sẽ được nối lại ngay cả khi 2 nước tiếp tục cạnh tranh chiến lược.
Bên cạnh đó, ông Biden cũng sẽ khôi phục chính sách ngoại giao truyền thống, trong đó có nỗ lực hàn gắn quan hệ với các đồng minh ở châu Âu và châu Á đang chịu tác động bởi chính sách "nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump.
Đội đặc nhiệm chống Covid-19
Ông Biden cho biết sẽ công bố một đội đặc nhiệm chống Covid-19 gồm 12 nhà khoa học hàng đầu trong ngày 9-11. Tuyên bố này được đưa ra giữa lúc tình hình đại dịch tại Mỹ diễn biến theo chiều hướng xấu đi. Theo Trường ĐH Johns Hopkins, Mỹ ghi nhận thêm 126.480 ca nhiễm Covid-19 trong ngày 6-11. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp quốc gia này ghi nhận mức tăng hơn 100.000 ca nhiễm sau 24 giờ và cũng là mức tăng kỷ lục kể từ khi đại dịch khởi phát.
Theo Tạp chí Time, thách thức thực sự của ông Biden trong cuộc chiến chống Covid-19 là "khôi phục niềm tin của người dân đối với khoa học", thuyết phục người dân rằng nỗ lực ứng phó dịch Covid-19 được bắt đầu dưới thời Tổng thống Donald Trump, nhất là phát triển vắc-xin, không bị ảnh hưởng bởi chính trị.
Bình luận (0)