Ông Suga Yoshihide hôm 16-9 chính thức trở thành thủ tướng thứ 99 của Nhật Bản sau cuộc bỏ phiếu ở quốc hội. Ông Suga tuyên bố tiếp tục nhiều chính sách của người tiền nhiệm Abe Shinzo, cam kết đẩy nhanh quá trình cải cách cấu trúc, trong đó có cắt giảm thủ tục và mạnh tay xử lý tệ quan liêu. Nhà lãnh đạo 71 tuổi còn cho biết sẽ lập một cơ quan chính phủ mới để thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số đang tụt lại phía sau của Nhật Bản.
Để thực hiện tham vọng của mình, Thủ tướng Suga bổ nhiệm những người được ông nhìn nhận là "có tư duy cải cách và làm được việc" vào nội các mới. Theo Reuters, khoảng 50% thành viên nội các của ông Suga là những người được giữ lại từ nội các của người tiền nhiệm Abe.
Trong số này, những vị trí được giữ nguyên là Bộ trưởng Tài chính Taro Aso, Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi, Bộ trưởng Thế vận hội Seiko Hashimoto và Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi. Bộ trưởng Y tế Katsunobu Kato được Thủ tướng Suga bổ nhiệm thay ông giữ chức Chánh Văn phòng Nội các. Đáng chú ý, em trai cựu Thủ tướng Abe, ông Nobuo Kishi, được bầu làm Bộ trưởng Quốc phòng thay thế ông Taro Kono, người chuyển sang giữ chức Bộ trưởng Cải cách Hành chính.
Ông Suga Yoshihide trở thành tân Thủ tướng Nhật Bản sau cuộc bỏ phiếu hôm 16-9 của quốc hội Ảnh: REUTERS
Ông Suga lên nắm quyền giữa lúc Nhật Bản đối mặt hàng loạt thách thức, trong đó có căng thẳng với Trung Quốc liên quan đến tranh cãi chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông, đại dịch Covid-19 cùng các vấn đề kinh tế - xã hội dài hạn, như "núi nợ" của chính phủ và dân số già.
Theo báo Nikkei Asian Review, để đánh bại Covid-19 mà không làm tổn thất kinh tế, ông Suga cần đoàn kết quốc gia và tập hợp sức mạnh. Các cuộc thăm dò truyền thông cho thấy tỉ lệ ủng hộ dành cho cựu Thủ tướng Abe là trên 70%. Vì thế, chiến thắng của ông Suga - một đồng minh lâu năm của ông Abe - là phù hợp với mong muốn của công chúng về việc tiếp tục đường lối của người tiền nhiệm. Ông Suga cũng cho thấy mong muốn duy trì sự ổn định trong giới lãnh đạo khi chỉ có 5 thành viên nội các là gương mặt hoàn toàn mới.
Thủ tướng Suga cũng cam kết giữ nguyên chiến lược kích thích kinh tế "Abenomics" của người tiền nhiệm song giới chuyên gia kinh tế tỏ ra hoài nghi với mong muốn này, đặc biệt là trong bối cảnh chính phủ Nhật Bản đang gánh khoản nợ công không nhỏ. Theo trang Bloomberg, điều này khiến "trụ cột thứ ba" của Abenomics, cải cách cấu trúc, trở thành mục tiêu quan trọng nhất của ông Suga trong tham vọng định hình chính sách kinh tế.
Nhiều người đồn đoán rằng Thủ tướng Suga có thể kêu gọi tổ chức bầu cử hạ viện sớm để tận dụng sự ủng hộ gia tăng dù trước đó ông từng xem ưu tiên hàng đầu là giải quyết khủng hoảng Covid-19 và phục hồi nền kinh tế. Thủ tướng Suga khẳng định ông không có kế hoạch trở thành một lãnh đạo lâm thời để mang lại sự cân bằng cho nhiệm kỳ lãnh đạo LDP (Đảng Dân chủ Tự do) của người tiền nhiệm Abe. Dù vậy, khả năng nắm quyền đến sau giai đoạn tháng 9-2021 của Thủ tướng Suga có thể phụ thuộc vào việc liệu ông có kêu gọi tổ chức bầu cử vào thời điểm thích hợp hay không.
Việt Nam chúc mừng tân Thủ tướng Nhật Bản
Ngày 16-9, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc Nhật Bản có Thủ tướng mới, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Việt Nam chúc mừng ngài Suga Yoshihide được bầu làm Thủ tướng mới của Nhật Bản.
Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị với Nhật Bản và mong muốn hợp tác chặt chẽ với ngài Thủ tướng và Chính phủ mới của Nhật Bản để đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển lên tầm cao mới, ngày càng toàn diện, thực chất, hiệu quả, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới".
Nhân dịp ngài Suga Yoshihide được bầu làm Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản và Thủ tướng Nhật Bản, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện mừng.
D.Ngọc
Bình luận (0)