Giờ đây, giám đốc điều hành của hãng xe điện Tesla phải chứng minh được vì sao ông tin rằng Twitter có giá trị gấp 10 lần số tiền đó. Đầu tháng này, chính ông thẳng thắn cho rằng mình và các nhà đầu tư khác đang trả quá nhiều tiền để mua lại Twitter nhưng họ làm thế vì tiềm năng dài hạn của mạng xã hội này.
Ông Elon Musk tại trụ sở Công ty Twitter ở TP San Francisco, bang California - Mỹ hôm 26-10 Ảnh: TWITTER
Ngay sau khi nắm quyền kiểm soát Twitter hôm 27-10, ông Musk đã sa thải nhiều lãnh đạo chủ chốt của công ty, trong đó có Giám đốc điều hành Parag Agrawal, Giám đốc tài chính Ned Segal, Trưởng cố vấn pháp lý Vijaya Gadde…
Tuy nhiên, tỉ phú này hiện chỉ mới đưa ra một số thông tin về chuyện cải tổ Twitter. Nổi bật trong số này là ý tưởng về một "siêu ứng dụng" giống WeChat của Trung Quốc, cho phép người dùng không chỉ gửi tin nhắn mà còn có thể thanh toán, mua sắm trực tiếp, gọi taxi.
Ông Musk gần đây từng nói với nhà đầu tư về ý định cung cấp tài khoản trả phí để giảm phụ thuộc vào quảng cáo, cho phép tạo nội dung kiếm tiền và thanh toán. Nhận định về kế hoạch này, chuyên gia Scott Galloway của Trường ĐH New York (Mỹ) chỉ ra thực tế rằng hiện không có "siêu ứng dụng" nào ở Mỹ, một phần vì có nhiều lựa chọn về ứng dụng ở thị trường này.
Thử thách lớn khác của ông Musk là tham vọng biến Twitter thành "nền tảng quảng cáo được tôn trọng nhất thế giới". Nhiều nhà quảng cáo cho rằng việc ông Musk có kế hoạch khôi phục tài khoản Twitter của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cản trở việc chi tiền trên mạng xã hội này.
Ngoài ra, tân chủ nhân Twitter còn gặp khó trong việc làm sao vừa tuân thủ các điều luật khắt khe về truyền thông kỹ thuật số vừa giữ được cam kết bảo vệ "mọi hình thức tự do ngôn luận".
Bình luận (0)