Với số người mắc Covid-19 tăng chóng mặt, chính phủ Pháp đưa ra biện pháp giãn cách 15 ngày, bắt đầu từ 14-3-2020. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố trên truyền hình: "Nous sommes en guerre" (tạm dịch: Chúng ta đang trong thời kỳ chiến tranh).
Tất cả tiệm ăn, dịch vụ không thiết yếu như bán quần áo, nhà sách, rạp chiếu phim… phải đóng cửa. Trái lại, các siêu thị hay tiệm bán thực phẩm cần dùng cho đời sống hằng ngày được hoạt động. Người dân được di chuyển trong vòng 1 km, nếu vượt quá phải có giấy phép đặc biệt ghi rõ điểm đến với mục đích gì.
Lúc đầu, vì thiếu khẩu trang, chính phủ tuyên bố không cần khẩu trang khi ra đường, chỉ đeo khi vào nơi công cộng. Có nhiều người sợ hãi, sáng chế đủ cách để bảo vệ bản thân.
Dân chúng hoang mang xếp hàng mua thực phẩm tích trữ, đến giấy vệ sinh cũng hết nhẵn. Chính phủ Pháp nhanh chóng trấn an người dân với cam kết không thiếu hàng hóa và bảo đảm lưu thông toàn quốc để tránh mất cân bằng xã hội, kinh tế cũng như không ảnh hưởng việc phòng chống dịch.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trò chuyện với học sinh tại Trường Tiểu học Bouge ở TP Marseille hôm 2-9 nhân dịp khai giảng năm học mới Ảnh: REUTERS
Biện pháp của chính phủ là vẫn mở cửa các chợ đầu mối, cho phép tiểu thương mua hàng với điều kiện người đi mua trình giấy môn bài và giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ. Các siêu thị có mạng lưới phân phối riêng.
Trong thời gian giãn cách toàn quốc, hệ thống ngân hàng hoạt động bình thường, tiền tệ không bị gián đoạn. Hoạt động mua bán thường dùng thẻ ATM vì người mua và người bán sợ tiếp xúc tiền mặt có thể lây bệnh.
Từ năm ngoái đến nay, chính phủ Pháp đã phong tỏa toàn quốc kéo dài 2 lần, kèm theo đó là những giai đoạn giới nghiêm, biện pháp hạn chế các hoạt động kinh tế - xã hội - văn hóa, giãn cách xã hội, truy vết ca nhiễm, xét nghiệm tầm soát đại trà.
Trong tâm trạng hoang mang, sản xuất bị chậm lại, người lao động thất nghiệp và nhiều công ty phá sản - tất cả dẫn đến sự suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Tiêu thụ hằng ngày giảm xuống, chứng tỏ một điều rằng nếu người dân không thể mua bán hàng hóa thì kinh tế quốc gia sẽ bế tắc.
Hàng hóa không tiêu thụ được đồng nghĩa với việc trao đổi thương mại giữa các quốc gia bị đình trệ, dẫn đến cú sốc lan tỏa toàn bộ chuỗi sản xuất toàn cầu.
Để tránh bế tắc trong cuộc sống người dân nói riêng và kinh tế nói chung, chính phủ Pháp đưa ra nhiều nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp, có thể kể ra gồm: gia hạn thanh toán cho các khoản thanh toán xã hội và hoặc thuế, miễn thuế trực thu, hỗ trợ thanh toán tiền thuê nhà, quỹ đoàn kết hỗ trợ người lao động thất nghiệp, hỗ trợ các chi phí cố định của công ty, nhà nước bảo lãnh cho vay, cơ cấu lãi các khoản vay ngân hàng, thực hiện chế độ thất nghiệp từng phần.
Một lều xét nghiệm nhanh Covid-19 trên đại lộ Champs-Elysees, đoạn gần Khải Hoàn Môn, ở thủ đô ParisẢnh: REUTERS
Tổng thống Macron cam kết ngăn chặn tình trạng phá sản công ty và sa thải hàng loạt. Đây là lý do một số biện pháp đã được thực hiện vào ngày 25-3-2020 nhằm hỗ trợ các công ty nối lại hoạt động dù người dân vẫn bất an vì dịch bệnh.
Phần lớn các biện pháp này liên quan đến việc hoãn lại chứ không phải hủy bỏ những khoản nợ xã hội và tài chính, với mục đích giúp các công ty vượt qua căng thẳng trước mắt.
Dù chính phủ quyết liệt ngăn chặn kinh tế suy thoái song GDP trong năm 2020 của Pháp đã giảm 8% (số liệu của Viện Thống kê và Nghiên cứu kinh tế Pháp - INSEE), trong khi GDP của Việt Nam năm 2020 tăng 2,91% (số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam).
Cũng trong năm 2020, Pháp có thêm 1 triệu người mất việc làm, khoảng 700.000 sinh viên sắp tốt nghiệp có nguy cơ thất nghiệp trong lúc ngân sách nhà nước cạn dần và Covid-19 vẫn rình rập tái bùng phát.
Dịch bệnh đã làm tiêu tan tất cả nỗ lực của nước Pháp trong việc tái cân bằng các quỹ bảo hiểm y tế, trợ cấp thất nghiệp hay quỹ lương hưu… Dù chính phủ liên tiếp dùng nhiều biện pháp cứu vãn nhưng theo số liệu của Bộ Tài chính Pháp, Covid-19 đã đào sâu thêm 30 tỉ euro đối với quỹ bảo hiểm y tế và chưa biết tới khi nào thâm hụt ấy mới được lấp đầy.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)