Cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela đang đe dọa đến nguồn thu của ngành công nghiệp dầu, vốn đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế đất nước.
Sau khi công nhận thủ lĩnh đối lập Juan Guaido là tổng thống lâm thời hợp pháp, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn chuyển nguồn tiền thu được từ việc bán dầu của Caracas, cũng như quyền kiểm soát những tài sản khác, như dự trữ vàng, từ Tổng thống Nicolas Maduro sang ông Guaido mà không cần phong tỏa hoạt động xuất khẩu dầu của nước này. Ngoài ra, theo báo The Washington Post, nhà chức trách Mỹ có thể thu giữ tài sản thuộc sở hữu nhà nước Venezuela và trao cho lực lượng trung thành với ông Guaido.
Dù lượng dầu xuất khẩu của Venezuela đã sụt giảm đáng kể trong những năm gần đây, chúng vẫn đóng vai trò quan trọng đối với thị trường toàn cầu. Theo thống kê, Venezuela hiện xuất khẩu khoảng 500.000 thùng dầu thô sang Mỹ mỗi ngày, thu về một lượng tiền mặt đáng kể. Ông Francisco Rodriguez, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Đầu tư Torino Capital (Mỹ), nhận định với báo The Wall Street Journal rằng việc cắt đứt nguồn tiền dầu này có thể khiến hoạt động khai thác tại Venezuela giảm thêm 40% trong năm nay.
Ông Rodriguez cũng cho rằng viễn cảnh của Venezuela có thể không khác gì Libya hồi năm 2011. Khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama phong tỏa tài sản của chính quyền nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi để trả đũa "hành động trấn áp người biểu tình", khiến sản lượng khai thác dầu của quốc gia Bắc Phi này giảm hơn 70%.
Chính quyền Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đang tìm cách rút số vàng lưu trữ ở Anh về nước Ảnh: REUTERS
Một điểm tương đồng khác chính là số phận của vàng dự trữ Venezuela ở nước ngoài. Ông Guaido hôm 27-1 kêu gọi nhà chức trách Anh ngăn ông Maduro tiếp cận số vàng lưu trữ tại Ngân hàng Trung ương nước này (BoE). Theo Reuters, chính quyền ông Maduro vào năm ngoái tìm cách cho "hồi hương" số vàng trị giá 550 triệu USD tại BoE do lo ngại chúng chịu tác động của các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào Caracas.
Số lượng vàng này giờ đây đã tăng hơn gấp đôi lên 31 tấn (khoảng 1,3 tỉ USD) sau khi Venezuela trả lại tiền đã vay từ Ngân hàng Deutsche (Đức) thông qua một thỏa thuận tài chính lấy vàng làm tài sản thế chấp.
Trang Bloomberg hôm 26-1 tiết lộ BoE đã ngăn các quan chức Venezuela rút số vàng trên về nước sau khi các quan chức Mỹ vận động London ngăn chặn chính quyền ông Maduro tiếp cận tài sản ở nước ngoài. Việc "mất" số vàng này có thể giáng mạnh vào tình hình tài chính của Venezuela, nhất là khả năng nhập khẩu các mặt hàng từ thực phẩm, thuốc men cho đến phụ tùng ôtô, hàng điện tử tiêu dùng.
"Giữ tiền trong tài khoản ở các thủ đô phương Tây là cực nguy hiểm. Kinh nghiệm này thể hiện qua thực tế của Iran, Libya, Kazakhstan và bây giờ là Venezuela…" - Thượng nghị sĩ Nga Alexei Pushkov nhấn mạnh trên đài Sputnik.
Theo một số ước tính, giá trị số tài sản của Iran bị phong tỏa ở nước ngoài dao động từ 100-120 tỉ USD, trong đó Mỹ đóng băng khoảng 2 tỉ USD. Trong khi đó, theo tạp chí Le Vif (Bỉ), khoảng 10 tỉ euro trong 4 tài khoản của chính phủ Libya đã biến mất một cách bí ẩn khỏi Ngân hàng Euroclear (Bỉ) trong giai đoạn 2013-2017.
Hãng tin AP nhận định ông Maduro hiện vẫn nhận được sự hậu thuẫn quan trọng của một số nước - đáng chú ý là từ Nga và Trung Quốc, 2 quốc gia có thể phủ quyết bất kỳ biện pháp trừng phạt nào được đưa ra tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Trong trường hợp không được Mỹ trả tiền, Tổng thống Venezuela có thể chuyển lượng dầu xuất khẩu sang Mỹ đến những thị trường thân thiện hơn. Dù vậy, giao dịch tài chính quốc tế rất khó xử lý nếu không đi qua các ngân hàng ở Mỹ hoặc châu Âu.
Nhân tố chủ chốt
Cả Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và lãnh đạo tự phong Juan Guaido đều đang tìm cách nắm giữ quân đội để tạo chỗ dựa trong cuộc chiến giành quyền lực.
Hôm 27-1, Tổng thống Maduro thị sát cuộc phô diễn sức mạnh vũ khí hạng nặng tại Pháo đài Paramacay, một căn cứ xe bọc thép phía Đông thủ đô Caracas. Đứng cạnh Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino, ông Maduro cùng theo dõi một trung đội lính bắn các loạt đạn từ súng chống tăng, súng cao xạ và đạn pháo xe tăng vào các mục tiêu trên đồi. Nhà lãnh đạo 56 tuổi thậm chí ngồi trên xe thiết giáp cùng binh lính, đồng thời tuyên bố cuộc diễn tập này cho cả thế giới thấy ông được quân đội hậu thuẫn và các lực lượng vũ trang Venezuela sẵn sàng bảo vệ đất nước. Theo Reuters, quân đội Venezuela có kế hoạch tập trận lớn hơn từ ngày 10 đến ngày 15-2, được ông Maduro gọi là các cuộc tập trận quan trọng nhất lịch sử nước này.
Trong khi đó, ông Guaido, người tự nhận là tổng thống lâm thời trước người ủng hộ ở thủ đô Caracas từ hôm 23-1, nói với báo The Washington Post hôm ngày 27-1 rằng ông đang hội đàm với các quan chức chính phủ, cả quân sự lẫn dân sự, cũng như tìm cách thiết lập một chính phủ chuyển tiếp. Chính khách 35 tuổi cũng gửi thông điệp tới quân đội, yêu cầu lực lượng này ủng hộ ông và không trấn áp lực lượng dân sự. Ông Guaido còn cam kết ân xá cho những binh lính ủng hộ mình.
Theo Tổng thống Maduro, thủ lĩnh đối lập Guaido "tham gia cuộc đảo chính" do các cố vấn chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump đạo diễn. Trang Sputnik (Nga) hôm 28-1 cho biết Thượng nghị sĩ Lindsey Graham thuộc Đảng Cộng hòa của Mỹ khẳng định Tổng thống Trump đã thảo luận với ông về khả năng sử dụng giải pháp quân sự ở Venezuela cách đây vài tuần.
Trong một diễn biến khác, chính phủ Nga bác bỏ thông tin nói rằng Moscow đã cử lực lượng quân sự tới bảo vệ Tổng thống Maduro. Lời phủ nhận này được đưa ra sau khi nổi lên thông tin nói rằng khoảng 400 tay súng Nga đến Venezuela theo hợp đồng giữa Nga với các nhà thầu quân sự tư nhân.
Thu Hằng
Bình luận (0)