Một quan chức tình báo Iraq nói với hãng tin AP rằng nhóm người Mỹ này (kênh tin Al-Arabiya cho biết có 3 người nhưng Washington chưa xác nhận) được mời vào căn hộ của người phiên dịch của họ - nơi vốn là nhà chứa hay bị dân quân người Shiite tấn công tại khu phố Dora, phía Nam thủ đô Baghdad, hôm 15-1. Sau khi bị bắt cóc, họ được đưa tới TP Sadr và mất liên lạc tại đây.
Theo một quan chức cảnh sát địa phương, nhóm công dân Mỹ làm việc như các nhà thầu hoặc giảng viên quân sự tại sân bay Quốc tế Baghdad.
Đại sứ quán Mỹ tại Iraq hôm 17-1 thông báo một số công dân nước này mất tích ở Baghdad, trong khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby tuyên bố họ đang làm việc với chính phủ Iraq để tìm kiếm những người mất tích. Ông nói thêm “sự an toàn và an ninh của công dân Mỹ ở nước ngoài là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”.
Đại tá Steve Warren, phát ngôn viên liên quân chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) do Mỹ dẫn đầu tại Iraq, khẳng định những người bị bắt đều là dân thường. Lực lượng an ninh Iraq hôm 18-1 được triển khai khắp thủ đô Baghdad để lục soát từng căn nhà nhưng vẫn chưa tìm ra manh mối. 2 máy bay trực thăng cũng được nhìn thấy quần thảo trên bầu trời Dora.
Các vụ bắt cóc ở Iraq thường do IS, lực lượng dân quân người Shiite hoặc các băng đảng tội phạm thực hiện để đòi tiền chuộc, giải quyết tranh chấp…
Hồi tháng trước, một nhóm thợ săn Qatar bị các tay súng nặc danh bắt cóc ở miền Nam Iraq và chưa rõ tung tích. Ngày 18-9-2015, một số công nhân Thổ Nhĩ Kỳ bị những người đàn ông đeo mặt nạ, mặc quân phục ép rời khỏi công trường xây dựng ở TP Sadr. Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cho biết một băng đảng tội phạm đứng sau vụ này. Cuối tháng đó, nhóm công nhân được trả tự do.
Tuần trước, IS nhận trách nhiệm vụ tấn công vào thủ đô Baghdad và tỉnh Diyala, giết chết hơn 50 người.
Bình luận (0)