Nhật báo Daily Mirror số ra ngày 1-6-2011 đã từng phát hiện lính SAS và lữ đoàn dù Anh trong một đoạn phim thời sự của đài truyền hình Ả Rập Al Jazeera quay ở Dafniya, phía Tây thành phố Misrata nằm trong tay quân nổi dậy.
Trong phim, người xem thấy rõ lính SAS (sau này được xác định là cựu binh SAS) trang bị súng AK-47 và súng ngắn 9 ly đi cùng với quân lính phe nổi dậy Libya. Lực lượng cựu binh SAS trong phim gồm có 11 người mặc đồng phục màu cát, đầu đội nón vải, quàng khăn cổ bằng vải len màu đen bóng.
Hình ảnh “bom tấn”
Tờ báo gọi đó là hình ảnh “bom tấn” bởi nó tố giác nước Anh vi phạm trắng trợn nghị quyết “cấm bay” của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) tháng 3-2011, theo đó cấm các nước đưa quân vào Libya giao chiến với quân chính phủ Libya.
Daily Mirror sau đó dẫn một nguồn tin quân sự cao cấp Anh xác nhận: “Những người này tất nhiên không muốn bị phát hiện vì ảnh hưởng xấu đến nhiệm vụ bí mật của họ. Chính phủ Anh đã “bật đèn xanh” cho việc này thông qua những hợp đồng với công ty an ninh tư nhân. Chuyện này vẫn thường xảy ra trong những vùng có chiến tranh ở nước ngoài và từng được chấp nhận trong cuộc chiến ở Iraq”.
Cựu binh SAS trong một chiến dịch quân sự ở miền Nam Misrata. ẢNH TRÍCH VIDEO AL JAZEERA
Các công ty tư nhân thuê cựu binh SAS với mức lương có thể lên đến 10.000 bảng Anh (1 bảng Anh = 34.691 đồng)/tháng. Họ từng chiến đấu ở Iraq, Afghanistan, Colombia và Bắc Ireland. Công ty dùng quỹ lương của chính phủ - cụ thể là của bộ quốc phòng - để trả cho họ, Daily Mirror nhấn mạnh.
Nội chiến Libya bắt đầu từ giữa tháng 2 năm nay. Phe nổi dậy bao gồm nhiều lực lượng khác nhau, phần đông là tình nguyện quân không có kỹ năng và kinh nghiệm chiến đấu. Vì vậy, họ rất cần những người dày dạn kinh nghiệm và thiện chiến như cựu binh SAS cố vấn và đào tạo họ trở thành những người lính thực thụ.
Khách lạ mà quen
Nhiệm vụ của các cựu binh SAS không chỉ dừng lại ở công việc huấn luyện binh lính phe nổi dậy, bảo đảm an ninh cho thành phố cảng Misrata của phe nổi dậy mà còn “chỉ điểm” vị trí quân đội chính phủ Libya cho bộ tham mưu Anh và tổng hành dinh lực lượng NATO ở Naples (Ý) giúp máy bay NATO ném bom chính xác vào lực lượng của đại tá Gaddafi.
Nhật báo The Guardian cho biết thêm biệt kích Anh xâm nhập Libya từ ngả Ai Cập, tức trước khi LHQ ra nghị quyết trừng phạt Libya về tội “giết chóc dân lành” và NATO đảm nhận vai trò không kích Libya.
Tháng 3-2011, một chiếc trực thăng loại Chinook chở 6 lính SAS và 2 điệp viên của MI6 (Cơ quan Tình báo hải ngoại Anh) bay đến phía Nam Benghazi để bắt liên lạc với các thủ lĩnh phe nổi dậy. Máy bay vừa hạ cánh thì bị quân lính phe nổi dậy vây bắt vì tưởng lầm biệt kích của chính phủ Libya. Họ nhanh chóng được thả ra ngay sau đó. Sự cố này bị báo chí phát giác làm thủ tướng Anh lúng túng.
Đó không phải là lần đầu tiên SAS có mặt tại Libya. Hồi thế chiến thứ hai, họ đã từng có mặt ở Libya tấn công sân bay tiêu diệt 60 máy bay của Đức quốc xã. Những chiến công của SAS ở thành phố cảng Tobruk năm 1941 và thành phố Benghazi năm 1942 đã được ghi nhận trong sử sách Anh.
Trên tờ Daily Mirror, Robert Henry Craft, một cựu binh SAS, cho biết các đồng nghiệp của ông hoạt động ở Libya với tư cách là “cố vấn tư” làm việc cho Bộ Ngoại giao Anh. Nhưng lằn ranh giữa nhiệm vụ cố vấn và nhiệm vụ chiến đấu rất mong manh. Theo Craft, không chỉ có Anh mà các nước mưu cầu lợi ích ở Libya như Pháp, Qatar, Jordan cũng đưa lính biệt kích vào Libya để sớm kết thúc một cuộc chiến có nguy cơ kéo dài bất tận như Afghanistan.
Ngoài biệt kích, MI6 cũng bí mật hoạt động tích cực ở Libya. Theo tờ London Telegraph, chính nhân viên MI6 đã giúp Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia (NTC), cơ quan đầu não của quân nổi dậy, lên kế hoạch đánh chiếm Tripoli cách nay 10 tuần.
Kế hoạch nói trên bị rò rỉ hồi tuần rồi dự báo sẽ có một cuộc nổi dậy của quần chúng ở Tripoli. Thực tế cho thấy dự báo hoàn toàn sai. Cuộc tổng tiến công vào thủ đô cũng không do quân nổi dậy thực hiện mà do các lực lượng của NATO.
Đầu tiên là những đợt ném bom khủng khiếp của máy bay NATO với tần suất cao nhất từ đầu cuộc chiến đến nay. Sau đó, theo nguồn tin tình báo Israel trích dẫn trên trang tin DEBKAfile, trong 48 giờ đầu tiên của cuộc tổng công kích với tên gọi chiến dịch “Bình minh Nàng tiên cá” (Nàng tiên cá là tên riêng của Tripoli) chính các mũi nhọn biệt kích Anh, Pháp, Jordan và Qatar đã khai quang trận địa để quân nổi dậy tiến vào chiếm đóng Tripoli.
Kỳ tới: Ông Gaddafi đang ở đâu?
Bình luận (0)