xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những cái chết bí ẩn ở Iran

NGUYỄN CAO

Cái chết đầy nghi vấn của 5 nhà khoa học hạt nhân Nga trên chiếc TU-134 đêm 20-6 khiến người ta nhớ đến những cái chết không bình thường của các nhà khoa học hạt nhân đầu đàn của Iran

Trong một diễn biến mới nhất chung quanh vụ rớt máy bay TU-134 ở nước Cộng hòa tự trị Karelia thuộc Liên bang Nga, Bộ Y tế Nga cho hay đã có thêm một người chết trong bệnh viện.
 
img
Đám tang  giáo sư Shahriari Ảnh:  ISNA

Thay máy bay vào giờ chót

Hôm 26-6, bà Sophia Maliavina, người phát ngôn Bộ Y tế Nga, cho biết một phụ nữ sống sót trong tai nạn máy bay nói trên đã qua đời tại Bệnh viện Vichneski, Moscow do bị phỏng quá nặng (60%).
 
Trước đó, một bé trai cũng đã chết tại Bệnh viện Petrozavodsk. Như vậy, đã có thêm 2 trong số 8 người sống sót trong tai nạn máy bay qua đời, nâng tổng số những người bị thiệt mạng lên 46 người.

Trong khi đó, nhật báo Israel Ha’aretz tiết lộ một chi tiết theo hướng củng cố giả thuyết 5 nhà khoa học Nga bị sát hại do liên quan đến bí mật hạt nhân của Iran. Dẫn một nguồn tin không được nêu tên, tờ báo cho hay Hãng Hàng không RusAir không hiểu tại sao đã thay máy bay vào giờ chót.
 
Thay vì dùng chiếc Bombardier CRJ-200 do Canada sản xuất để chở 5 nhà khoa học Nga, họ chuyển những hành khách đặc biệt này sang chiếc TU-134 bất chấp quy định của ngành an ninh cấm chở cùng một lúc quá một chính khách cao cấp, tướng lĩnh hoặc lãnh đạo các ngành công nghiệp nhạy cảm như hạt nhân.

RusAir chưa xác nhận nguồn tin trên của Ha’aretz. Nếu đúng như vậy thì quả là có chuyện mờ ám gì đây. Trong khi đó, cuộc điều tra sơ khởi của chính quyền Nga cho biết nguyên nhân làm rớt máy bay có thể do sai sót của cơ trưởng hoặc do thời tiết quá xấu khiến máy bay đáp chệch đường băng. Giả thuyết hỏng động cơ đã bị loại trừ, theo các nguồn tin chính thức của Nga.
 
img
Chiếc Peugeot 405 của giáo sư Shahriari sau vụ nổ. Ảnh: Press TV

Một ngày “xử” hai nhà khoa học

7 giờ 40 phút ngày 29-11-2010 tại quận Aghdasieh, phía Bắc thủ đô Tehran của Iran, một người đàn ông đội mũ bảo hiểm trùm cả mặt lái mô tô luồn lách giữa hai làn ô tô trên đại lộ Artesh. Sau đó, y chạy cặp kè một chiếc ô tô hiệu Peugeot 405, treo một vật gì đó lên tấm kính chiếu hậu rồi tăng ga vọt thật lẹ.
Vài giây sau, một tiếng nổ long trời phá banh chiếc Peugeot, giết chết một người trong xe. Vợ nạn nhân đi cùng bị thương. Quả bom được kích nổ từ xa.
Cùng một lúc, cách nơi xảy ra tai nạn vừa kể vài cây số ở phía Tây thành phố, một tay lái mô tô khác mặc toàn đồ đen cũng tiếp cận một chiếc Peugeot, treo một quả bom vào kính chiếu hậu rồi bỏ chạy mất.

Tuy nhiên, lần này, người lái xe mở cửa nhảy bổ ra ngoài sau khi dừng xe. Người  vợ ngồi bên cạnh cũng kịp thời thoát ra ngoài. Cả hai chạy được vài mét thì quả bom phát nổ. Họ bị thương, máu me đầy mình nhưng thoát chết.

Người chết trong vụ tấn công bằng bom đầu tiên là giáo sư Majid Shahriari, 40 tuổi, một nhà vật lý lượng tử công tác tại Ủy ban Năng lượng Hạt nhân Iran. Vai trò của nhà khoa học này trong chương trình hạt nhân không rõ ràng.

Theo nhật báo Anh Guardian, ông Shahriari không liên quan đến những công trình hạt nhân bị cấm. Trong khi đó, đài truyền hình Ả Rập Al-Jazeera cũng khẳng định rằng ông không phải là chính khách và không liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran.

Tuy nhiên, theo tiết lộ của  ông Ali Akbar Salehi – lúc bấy giờ là giám đốc chương trình hạt nhân Iran gây tranh cãi ở phương Tây – tuyên bố ông Shahriari phụ trách một trong những dự án lớn của Tổ chức Năng lượng Hạt nhân Iran nhưng không nói rõ đó là dự án gì.
 
Dư luận phương Tây đồn đoán rằng đây là một dự án bí mật liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran. Và cũng vì lý do này mà ông Shahriari bị ám sát.

Ngoài thân thế mờ mờ ảo ảo nói trên, trang web DEBKA của Cơ quan Tình báo Quân đội Israel còn tiết lộ rằng giáo sư Shahriari - vốn là một chuyên gia về mã máy tính và chiến tranh mạng - chính là trưởng nhóm chuyên gia chống sâu máy tính Stuxnet.
 
Có thể đây là nhiệm vụ mới mà giáo sư Shahriari đảm nhiệm sau chiến dịch tấn công vào những cơ sở làm giàu uranium và hệ thống máy tính của quân đội Iran bằng sâu Stuxnet cách đây hơn một năm.

Chỉ riêng tháng 11-2010, sâu Stuxnet đã làm giàn máy ly tâm của một nhà máy bí mật làm giàu uranium ở Natanz phải ngưng hoạt động 6 ngày, từ 16 đến 22-11. Cuộc tấn công này cũng làm trì hoãn một cuộc diễn tập quan trọng bắn tên lửa phòng không của quân đội Iran.

Có tên trong sổ đen Liên Hiệp Quốc

Trong vụ án thứ hai, người bị thương là một nhân vật cộm cán của Bộ Quốc phòng Iran, tiến sĩ Fereydoun Abbasi, 52 tuổi.
 
Theo tờ The Observer, xuất bản tại London, tiến sĩ Abbasi là “một trong vài chuyên gia hiếm hoi của bộ về đồng vị phân hạch  và laser”. Hiện tại, ông là Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tổ chức Năng lượng Hạt nhân Iran thay thế ông Ali Akbar Salehi.

Trong bản phụ lục nghị quyết cấm vận số 1747 ngày 24-3-2007 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, ông Abbasi có tên trong danh sách những người bị phong tỏa tài sản và hạn chế xuất ngoại vì tham gia “các hoạt động bị cấm đoán về hạt nhân”.
 
Kỳ tới: Bàn tay của ai?
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo