xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những cảnh báo về môi trường

VĂN ANH

Du lịch không gian hấp dẫn, thú vị nhưng không có lợi cho môi trường sống. Động cơ tên lửa phi thuyền không gian phun muội đen sẽ góp phần làm biến đổi khí hậu trái đất

Bỏ ra một số tiền lớn (200.000 USD, tương đương 4 tỉ đồng) để nhìn ngắm trái đất từ độ cao 100 km trong vòng 5-7 phút thật là thú vị nhưng đồng thời cũng gây một tác hại khôn lường: Hủy hoại khí hậu trái đất.
 
img

Phi thuyền SpaceShipTwo của Công ty Virgin Galactic đẩy bằng tên lửa dùng động cơ lai. Ảnh: Virgin Galactic

 
Mây muội đen đe dọa
 
Hiện nguy cơ muội đen thải ra từ động cơ tên lửa làm bẩn môi trường có thể chưa nghiêm trọng. Nhưng, trong vài thập niên tới, với sự phát triển của ngành du lịch không gian, nguy cơ đó sẽ trở thành một mối đe dọa thật sự.
 
Lời cảnh báo trên rút ra từ một bài báo công bố kết quả của công trình nghiên cứu khoa học mới. Theo đó, một khi ngành công nghiệp du lịch không gian phát triển mạnh, sẽ xuất hiện trên tầng bình lưu một đám mây muội đen làm biến đổi khí hậu trái đất.
 
Bài báo - sắp được đăng trên tờ Geophysical Research Letter, chuyên san của Hội Liên hiệp Địa lý Mỹ, theo nhận định của tạp chí khoa học Scientific American, không có dòng nào ám chỉ các công ty tổ chức du lịch không gian nhưng các tác giả dường như muốn nhắc nhở Virgin Galactic và các đối thủ của công ty này quan tâm thích đáng đến vấn đề môi trường.
 
Các tác giả bài báo  gồm có Martin Ross (trưởng nhóm nghiên cứu Công ty The Aerospace ở El Segundo, bang California), Michael Mills (Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khí quyển) và Darin Toohey (Đại học Colorado).
 
img

Phi thuyền du lịch không gian của Công ty Armadillo Aerospace. Ảnh: Space.com

 
 Công trình nghiên cứu - được NASA (Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ) tài trợ - dùng mô hình máy điện toán đánh giá tác hại của muội đen và carbon dioxide (CO2) thải ra từ  tên lửa dùng động cơ lai lên bầu khí quyển trái đất.
 
Động cơ lai sử dụng nhiên liệu hydrocarbon tổng hợp thể rắn và chất ôxy hóa  nitrous oxide. Khi hoạt động, nó thải ra muội đen và CO2 thẳng vào tầng bình lưu (40 km). Phi thuyền SpaceShipTwo của Công ty Virgin Galactic dùng loại động cơ này.
 
Đối tượng của công trình nghiên cứu là những dữ liệu  giả định của 1.000 chuyến bay lên không gian hằng năm  của ngành du lịch không gian. Con số 1.000 chuyến bay là ước tính của các hãng lữ hành cung cấp dịch vụ du lịch không gian kể từ thời điểm 2020.
 
Kết quả nghiên cứu cho thấy các chuyến bay nói trên mỗi năm   sẽ thải ra 600 tấn muội đen tích tụ  ở tầng bình lưu và một khối lượng lớn CO2.
 
 Máy bay dân dụng, các nhà máy điện chạy bằng than đá, xe lửa, xe tải  cũng thải ra muội đen và CO2 vào không khí nhưng  ở độ cao thấp hơn nhiều so với tên lửa. Vì bay là đà, muội đen tự động rơi xuống đất trong vài ngày hoặc một tuần. Trong khi đó, muội than do tên lửa sử dụng động cơ lai  thải ra  tích tụ ở tầng bình lưu, từ năm này sang năm khác, dưới dạng một đám mây lan tỏa toàn cầu. Nó  hút lấy lượng ánh sáng mặt đáng lý ra rọi thẳng xuống mặt đất.
 
Sử dụng mô hình máy điện toán, các nhà nghiên cứu ghi nhận với lớp muội đen bay lơ lửng dày đặc trên tầng bình lưu, khí hậu ở Bắc bán cầu sẽ lạnh hơn, giảm 0,7oC, do ánh sáng mặt trời bị các phân tử muội đen hút hết. Ngược lại, ở Nam bán cầu, Nam cực chẳng hạn, sẽ tăng  0,8oC. Các vùng xích đạo sẽ mất đi 1% khí ozone trong khi  hai cực ở đầu trái đất lượng ozone tăng 10%.
 
Ông Michael Mills cho biết thêm,  hệ thống khí quyển trái đất đặc biệt nhạy cảm với các phân tử muội đen hơn người ta tưởng. Nghiên cứu cũng cho  một kết quả khác: Muội đen từ tên lửa góp phần làm khí hậu trái đất nóng lên với tần suất cao gấp 3 lần so với khí CO2.
 
Tóm lại, theo nghiên cứu,  các chuyến bay du lịch không gian sẽ thải ra những đám mây muội đen góp phần làm biến đổi khí hậu theo hướng tiêu cực. Đó là vấn đề mà những người có trách nhiệm trong ngành công nghiệp du lịch không gian non trẻ cần phải lưu tâm.
 
Tác hại ở tương lai
 
Những lo ngại về tác động đến khí hậu của máy bay và tên lửa hoạt động ở độ cao lớn không mới. Từ thập niên 1960, các máy bay siêu thanh như Concorde bay ở độ cao hàng chục ngàn mét đã từng làm các nhà khoa học lo ngại về chất thải  động cơ phản lực phun thẳng vào tầng bình lưu ozone.
 
Tháng 3-2009, ông Ross đã từng đăng  kết quả một nghiên cứu khác trên tạp chí Astrophysics (vật lý học thiên thế), khẳng định chất thải của tên lửa đặc biệt có hại cho tầng ozone.
 
Ông Ross,  tác giả chính của bài báo, cũng tuyên bố nghiên cứu chỉ  là một cái nhìn sơ khởi của  vấn đề trong khi còn rất nhiều điều chưa rõ. Hơn nữa, tác hại thật sự còn ở thì tương lai. Du lịch không gian nếu có bắt đầu thì cũng phải chờ ít nhất 18 tháng nữa, theo tuyên bố lạc quan của nhà tỉ phú Anh Richard Branson, ông chủ Công ty Virgin Galactic.
 

Ông Ross cũng lưu ý rằng bản chất của những vấn đề mà công trình nghiên cứu  xới ra cần được nghiên cứu thêm vì hiện tượng muội đen thải ra từ ngành công nghiệp du lịch không gian chỉ mới manh nha. “Mặc dù vậy, chính quyền và các nhà kinh doanh phải sớm quan tâm đến những vấn đề mà nó đặt ra”- ông Mills nhấn mạnh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo