Đó chưa phải là chuyện lạ duy nhất. Bác sĩ Jacques Servier, ông chủ toàn quyền của tập đoàn, chỉ còn vài ngày nữa sẽ bước sang tuổi 89 và từng bị tai biến xuất huyết não nhẹ hai lần. Thế nhưng ông vẫn trực tiếp điều hành tập đoàn với bàn tay sắt.
Bí ẩn
Cơ sở của tập đoàn đặt tại Neuilly-sur-Seine, tỉnh Hauts-de-Seine, bên ngoài bức tường xám xịt không hề có logo hay bảng tên cho phép người lạ đoán biết đó là cơ ngơi gì, của ai. Tuy nhiên, khi bước qua khỏi cổng, khách sẽ đụng ngay một bức ảnh chân dung khổng lồ (2 x 3 m) của vị “trưởng lão ngành dược phẩm Pháp” như người ta thường gọi.
Sự nghiệp của bác sĩ Servier phát triển một cách kỳ lạ. Năm 1948, bác sĩ - dược sĩ Jacques Servier mua lại một xưởng bào chế thuốc tây nhỏ ở thành phố Orléans, quê hương ông. Hơn 50 năm sau, ông biến cơ sở kinh doanh nhỏ bé này thành một tập đoàn dược phẩm khổng lồ của Pháp. Hiện tại, ông vẫn nắm 100% tài sản của tập đoàn trị giá 3,8 tỉ euro (số liệu năm 2009).
Bí ẩn là phương châm hoạt động của Tập đoàn Servier. Bí ẩn từ cách tuyển dụng nhân viên cho đến lợi nhuận hằng năm.
Cách đây mấy năm, Bộ Công nghiệp Pháp lên kế hoạch giúp đỡ ngành dược phẩm trong nước. Bộ yêu cầu các công ty báo cáo doanh số, lợi nhuận. Tất cả đều cung cấp các số liệu một cách nghiêm túc ngoại trừ Servier. Một chức sắc của tập đoàn thú nhận: “Tổng giám đốc từ chối cung cấp số liệu. Ngoài ông ấy, chúng tôi không nắm được gì hết”.
Trụ sở Tập đoàn Servier ở Neuilly-sur-Seine Ảnh: AFP
Số lượng công ty con trực thuộc Tập đoàn Servier cũng là một con số bí ẩn. Một cán bộ quản lý cao cấp đã rời khỏi tập đoàn từ năm 1980 kể lại trên tờ Libération: “Hồi đó, tính ra tôi đã từng công tác ở 120 công ty con của tập đoàn. Mỗi lần chuyển công tác, tôi phải làm đơn xin từ chức. Còn bây giờ, tập đoàn có bao nhiêu công ty con? Tôi không biết”.
Theo Libération, đó là một cách trốn thuế và trốn tránh các nghiệp đoàn. Tập đoàn Servier có 5.000 nhân viên ở Pháp nhưng chỉ có 3 đại biểu của tổ chức nghiệp đoàn CFDT. Trong mắt ông Servier, đó là những kẻ xúi giục làm loạn tiềm năng. Hạn chế đến mức tối thiểu cán bộ nghiệp đoàn là chính sách trước sau như một của ông Servier.
Bức tường im lặng đáng sợ
Phương pháp tuyển dụng nhân viên của Tập đoàn Servier cũng rất lạ, không giống bất cứ tập đoàn hay công ty nào khác. Lạ và đầy đe dọa. Nhật báo Libération trong khi đi tìm hiểu cách tuyển dụng người của tập đoàn đã đụng phải một bức tường im lặng đáng sợ.
Một cựu nhân viên của Servier giãy nảy: “Xin lỗi, tôi không muốn gặp tai nạn giao thông. Các anh không biết mình đang đụng ai đâu”. Một người khác nói thẳng: “Tôi đang tìm việc, tôi không muốn tên tôi lên báo”.
Muốn vào tập đoàn, ứng viên phải trải qua một cuộc phỏng vấn kéo dài cả buổi. Họ phải gặp 3 hoặc 4 người, trong đó có một chuyên viên về tâm lý học. Ứng viên cũng phải cung cấp tên 3 người thân ở nhà và 3 người thân ở sở làm cũ. Một cựu nhân viên kể lại: “Người ta đến tận nhà gặp cậu và mợ tôi. Họ còn hỏi hồi 6 tuổi, tôi thích chơi trò chơi gì”.
Ông Jacques Servier trong ngày nhận huân chương Bắc đẩu bội tinh hồi năm ngoái. Ảnh: REUTERS
Người đi hỏi cho tập đoàn là cựu nhân viên an ninh Pháp chuyên điều tra lý lịch cá nhân. Việc dùng mật vụ để điều tra nhân viên mới và lập hồ sơ để sa thải nhân viên cũ bị tờ báo trào phúng Le Canard Enchainé phanh phui bùng nổ thành một vụ xì-căng-đan. Năm 1999, Ủy ban quốc gia Tin học và Quyền công dân đã khiển trách tập đoàn về chuyện này.
Mục đích tuyển dụng của tập đoàn: Loại bỏ những người có tư tưởng khuynh tả, thích “vào nghiệp đoàn”, “hay bất mãn” hoặc “đồng tính”. Nhân viên phải trung thành tuyệt đối với ông chủ và tập đoàn. Đổi lại, họ được trả lương cao hơn gấp nhiều lần so với các nơi khác và hưởng phúc lợi xã hội cũng đặc biệt hơn. Đó là câu chuyện của mấy mươi năm trước.
Sau khi đổ bể chuyện mướn mật vụ điều tra lý lịch nhân viên, bác sĩ Servier thành lập công ty tuyển dụng nhân sự riêng có tên là Actam. Hiện nay, chính sách tuyển dụng đã “mềm” hơn nhưng vẫn còn một số tiêu chí bất di bất dịch. Chẳng hạn, phụ nữ Bắc Phi vẫn được tuyển dụng làm trình dược viên với điều kiện đổi tên sao cho “mất mùi” Ả Rập.
Đưa Mediator vào Trung Quốc
Cách tiếp cận thị trường nước ngoài của Servier cũng nhuốm màu huyền thoại. Năm 2008, Tập đoàn Servier tiến hành một cuộc nghiên cứu lâm sàng thuốc Mediator ở Trung Quốc với mục tiêu đưa thuốc này vào một thị trường khổng lồ ở châu Á. Đây là một thủ tục thông thường. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu những cuộc thí nghiệm lâm sàng được tiến hành ở một bệnh viện nào khác chứ không phải là một bệnh viện quân y và các bác sĩ tại đây được trả lương rất hậu hĩ.
Hơn nữa, thuốc chỉ được thử với 240 bệnh nhân, một con số quá khiêm tốn. Bệnh béo phì ở Trung Quốc lúc đó bùng nổ khắp nước, nhất là trong giới trẻ. Công tác kiểm soát chất lượng tân dược ở Trung Quốc thời đó có khá nhiều lỗ hổng. Cộng với chiến thuật tiếp thị khốc liệt, lợi nhuận của Servier được bảo đảm ở mức tối đa.
Kỳ tới: Thế và lực của tập đoàn
Bình luận (0)