Đây là phiên tòa thứ tư nghe các nhân chứng của bên nguyên (quân đội Mỹ) điều trần, chủ yếu chung quanh cuộc khảo nghiệm pháp y máy tính và laptop cá nhân của Bradley Manning. Chuyên viên phân tích thông tin tình báo quân đội Mỹ 24 tuổi này bị cáo buộc tổng cộng 34 tội danh, trong đó có 22 tội danh “phát tán bí mật nhà nước”.
Manning từng chat với Assange
Khác với các phiên tòa trước, khi hai chuyên gia pháp y máy tính trả lời chất vấn, các nhà báo và công chúng đã được mời ra khỏi phòng xử bất chấp phản đối của luật sư bên bị. Những người ủng hộ Manning đang biểu tình gần cổng chính căn cứ quân sự Fort Meade đã bày tỏ sự phẫn nộ đối với phiên tòa họp kín và yêu cầu tòa án phải minh bạch mọi chuyện.
Nhóm ủng hộ Bradley Manning, một tổ chức quần chúng Mỹ, đã tố cáo động thái kể trên của tòa án quân sự Fort Meade nhằm “cản trở báo chí và công chúng tiếp cận ý kiến trung thực của các nhân chứng”.
Theo nhật báo Anh Guardian, phòng tòa án rất nhỏ, chỉ có 50 ghế, trang bị một màn ảnh rất to và hai màn hình lớn dùng để chiếu các tài liệu minh họa lời khai của nhân chứng. Ngày 19-12, có 7 nhân chứng ở Hawaii, Đức, bang Arizona (Mỹ) và các nơi khác điều trần qua điện thoại đường dài. Tiếng của họ được phát qua một chiếc loa dựng tại bục nhân chứng. Hai chuyên viên pháp y máy tính trình bày tại chỗ kết quả điều tra của họ sau khi “khám nghiệm pháp y” máy tính bàn của binh nhất Manning tại nơi làm việc ở Iraq và chiếc laptop cá nhân của Manning.
Video clip “Collateral Murder” trên mạng WikiLeaks. Ảnh: TƯ LIỆU
Trước đây, chưa có báo cáo nào cho thấy chính quyền Mỹ nắm được bằng chứng Manning quan hệ với Assange ngoài chat log của tin tặc Adrian Lamo cung cấp cho FBI dẫn đến việc bắt giữ binh nhất Manning hồi tháng 5-2010.
Người phát hiện là Mark Johnson, chuyên gia pháp y máy tính của Công ty ManTech International. Công ty này làm việc cho Cục Điều tra tội phạm máy tính (CCIU) của quân đội Mỹ. Johnson khai đã tìm thấy 14-15 trang chat tại một vị trí không xác định của ổ đĩa cứng sau khi phục hồi được mật khẩu “Twink1492!!”.
Ngoài ra, Johnson còn phát hiện số điện thoại di động mà Assange dùng ở Iceland và một đoạn chat của Manning với một tin tặc khác ở Mỹ, theo đó Manning nhận trách nhiệm về video clip “Collateral Murder” cảnh trực thăng Apache Mỹ xả súng bừa bãi làm 2 phóng viên Reuters và 9 thường dân Iraq chết oan ở Baghdad năm 2007 được phát tán trên mạng WikiLeaks vào mùa xuân 2010.
Bradley Manning (trái) và Julian Assange. Ảnh: WIRED
Chuyên gia Shaver cũng phát hiện 10.000 công điện ngoại giao mật của Mỹ định dạng HTML trong máy tính bàn của Manning và một tập tin bị lỗi chứa hơn 100.000 công điện ngoại giao mật khác.
Chứng lý còn yếu
Tuy nhiên, theo sự thừa nhận của Shaver, không rõ 10.000 công điện nói trên có được chia sẻ với WikiLeaks hay không vì đem đối chiếu một số với 250.000 công điện ngoại giao mà WikiLeaks đã phát tán trên mạng không thấy công điện nào giống. Riêng tập tin chứa 100.000 công điện chưa rõ có gửi đi không mà dẫu có gửi thì WikiLeaks cũng không thể tung lên mạng vì nó bị lỗi, không xem được.
Ông Shaver cũng xác nhận rằng tại căn cứ Hammer mà Manning công tác ở Iraq, người dùng máy tính không bắt buộc gõ mật khẩu để tiếp cận nguồn công điện mật và cũng không cấm tải về những công điện đó vào máy tính.
Ông Shaver còn thú nhận rằng không biết nhiều binh lính ở căn cứ mà Manning phục vụ đã từng xem và bàn tán xôn xao video clip gây tai tiếng ở Iraq hồi tháng 12-2009, tức trước khi WikiLeaks phát tán trên mạng.
Các luật sư bên bị đã khai thác những tình tiết nêu trên khi chất vấn chuyên gia Johnson và sếp của ông ta là Shaver. Họ nêu ra 3 vấn đề cho thấy không đáng đưa Manning ra tòa án quân sự để xét xử: Một, máy tính bàn của bị cáo ai sử dụng cũng được vì không cần mật khẩu, vậy không thể quy trách nhiệm cho mỗi bị cáo Manning. Hai, quản lý lỏng lẻo việc bảo mật thông tin đã dẫn đến rò rỉ thông tin mật, trách nhiệm này thuộc về quân đội Mỹ. Ba, không có bằng chứng “bắt tận tay, day tận trán” cho thấy ai đã vào mạng mật của chính phủ khi nào và ở đâu.
Bình luận (0)