Giờ đây thì mọi người đã rõ danh tính hai nhân vật chính trong câu chuyện rò rỉ bí mật chiến tranh Afghanistan mà Lầu Năm Góc giấu kín trong mấy năm qua. Họ là những người dũng cảm, làm một việc đầy nguy hiểm cho bản thân.
Người thứ nhất là binh nhất Bradley Manning, 22 tuổi, ở chiến trường Iraq. Theo Lầu Năm Góc, Manning là nghi can số một đột nhập kho tài liệu mật của Lầu Năm Góc, tải xuống cả chục ngàn tài liệu rồi chuyển đến trang web Wikileaks.
Người thứ hai là Julian Assange, nhà sáng lập Wikileaks, 39 tuổi. Wikileaks là trang web khuyến khích mọi người công khai những thông tin để chống lại nạn tham nhũng trong chính quyền và các công ty.
Kể từ ngày thành lập (năm 2006), Wikileaks đã đăng tải hàng triệu tài liệu mật đủ thể loại , từ thông tin tình báo đến tài liệu nội bộ công ty. Trong 4 năm qua, WikiLeaks cung cấp nhiều bí mật hơn bất cứ tờ báo nào trong thế kỷ qua.
Lương tâm không ngủ yên
Trong bộ quân phục màu xanh lá cây, binh nhất Bradley Manning không có vẻ gì khác biệt so với đồng đội cùng trang lứa. Nếu có chăng, đó là một tâm hồn nhạy cảm và lòng can đảm hơn người.
Manning đã bị bắt hồi tháng 5 vừa qua, trong lúc đang đóng quân ở tiền đồn Hammer, cách thủ đô Baghdad của Iraq 64 km, nhưng không phải vì vụ rò rỉ thông tin mật chiến trường Afghanistan trên Wikileaks mặc dù là nghi can số một.
Julian Assange cầm tờ The Guardian đưa tin rò rỉ tài liệu mật chiến trường Afghanistan trên Wikileaks tại buổi họp báo ở London ngày 26-7. Ảnh: Reuters
Manning bị bắt vì đã tiết lộ, cũng trên WikiLeaks, ngày 5-4 vừa qua, một cuộn băng video cho thấy trực thăng Apache Mỹ bắn chết hàng chục thường dân vô tội ở Baghdad, trong đó có 2 phóng viên Reuters, hồi năm 2007. FBI và Bộ Tư pháp đang hỗ trợ Bộ Quốc phòng Mỹ điều tra xem ai đang giúp Manning tiết lộ tài liệu mật cho WikiLeaks.
Manning vào quân đội Mỹ năm 2007, làm công tác phân tích thông tin tình báo. Anh được phép vào kho dữ liệu mật, phân tích dữ liệu theo yêu cầu của cấp trên.
Trong quá trình công tác, những sự thật về chiến tranh Iraq làm cho Manning vỡ mộng về chính sách đối ngoại của Mỹ. Tháng 11-2009, anh bắt đầu sao chép tài liệu mật và tìm đến WikiLeaks.
Sau vụ tiết lộ cuộn băng video nói trên, Manning tiếp tục bức xúc về “thông tin mật chiến trường Afghanistan xấu xa không thể tưởng, công chúng có quyền được biết chứ không phải giấu giếm trong một số máy chủ đặt trong một căn phòng tối tăm ở Washington”.
Câu chuyện rò rỉ tài liệu mật Afghanistan bắt đầu từ ngày 21-5, khi Manning tìm đến Adrian Lamo, nguyên là tin tặc (hacker) nổi tiếng, mà anh tin rằng có tâm hồn đồng điệu nhưng Manning đã lầm người.
Trao đổi qua e-mail và chat trên Yahoo I.M, với biệt danh Bradass87, Manning hỏi Lamo: “Nếu bạn có cơ hội vào kho tài liệu mật 14 giờ/ngày, 7 ngày/tuần trong vòng 8 tháng thì bạn sẽ làm gì?”.
Năm ngày sau, Bradass87 cho Lamo biết anh đã vào hai mạng bí mật SIPRNET và JWICS của Mỹ chứa đựng thông tin mật về ngoại giao và tình báo quân sự, tải xuống như thế nào. Manning dùng dĩa hát CD-RW dán nhãn album Telephone của nữ ca sĩ thời thượng Lady Gaga, xóa hết nhạc để ghi lại tài liệu mật.
Ngày 25-5, Lamo đã tiếp xúc với đặc vụ Cục Điều tra tội phạm của Lầu Năm Góc tại một quán cà phê Starbuck, trưng ra một bản in nội dung chat với Bradass87 để làm bằng chứng. Ngày hôm sau, Manning bị bắt đưa về Kuwait, tống vào quân lao sau khi bị khởi tố 8 tội danh, trong đó có tội “cung cấp thông tin quốc phòng cho một nguồn trái phép”.
Với những tội danh trên, Manning có thể lãnh 52 năm tù. Manning sẽ bị xét xử tại Washington D.C, chứ không phải tại Baghdad như thông tin ban đầu.
Assange bị đe dọa
Ngày 26-7, xuất hiện trong một cuộc họp báo ở London (Anh), Julian Assange từ chối bình luận về nguồn cung cấp tài liệu mật cho WikiLeaks và làm cách nào WikiLeaks nhận được những tài liệu đó.
Trước đó, Daniel Ellsberg, người tiết lộ tài liệu mật Lầu Năm Góc cách đây 39 năm, đã báo động chuyện Manning bị bắt cho Assange biết với lời cảnh báo các cơ quan an ninh Mỹ sẽ làm đủ cách “xử đẹp Assange” để làm gương. Assange liền hủy kế hoạch bay đến Las Vegas và rút vào bí mật. Có tin Assange đang ở Thụy Điển và Iceland.
Đây không phải là lần đầu tiên Assange và WikiLeaks bị đe dọa. Hồi đầu năm nay, WikiLeaks đã đăng tải một tài liệu của quân đội Mỹ cho hay Mỹ lên kế hoạch “phá hủy trọng tâm của WikiLeaks”.
Sau nhiều ngày tìm kiếm, phóng viên tờ The Guardian của Anh bắt gặp Assange trong một quán cà phê ở Brussels (Bỉ), nơi Assange có một buổi nói chuyện với các nghị sĩ Nghị viện châu Âu.
Tại đây, The Guardian đã đạt được một thỏa thuận với Assange, theo đó, ba tờ báo lớn của Mỹ, Anh và Đức là The New York Times, The Guardian và Der Spiegel đồng loạt đăng một số tài liệu mật lấy từ WikiLeaks. Việc làm này nhằm làm giảm nguy cơ WikiLeaks bị nhà cầm quyền Mỹ “nắn gân”. Assange cho biết Mỹ có thể bắt anh về tội đồng phạm gián điệp.
Bradley Manning. Ảnh: AP
Julian Assange thật sự là ai? Sinh năm 1971 tại Townsville, bang Queenland, Úc, Assange là một “chiến sĩ đấu tranh cho tự do internet” (theo nhật báo Úc The Age) và một nhà báo nổi tiếng sau khi ông thành lập WikiLeaks. Ông cũng là một lập trình viên phát triển phần mềm tự do đồng thời là một hacker nổi tiếng ở Úc.
WikiLeaks ra đời năm 2006. Trong khi báo chí nói Assange là nhà sáng lập hoặc giám đốc WikiLeaks, Assange chỉ tự nhận là tổng biên tập làm việc không ăn lương.
Năm 2009, Assange được Tổ chức Ân xá Quốc tế trao giải thưởng truyền thông.
Kỳ tới: Sự thật về biệt đội 373
Bình luận (0)