Đại dương là một lãnh thổ rộng lớn chưa được khám phá hết và vẫn đang chờ được khám phá. Chúng ta có thể tình cờ phát hiện tàu đắm cũ, kho báu hoặc thậm chí học được điều gì đó mới mẻ về sinh vật biển.
Một số khám phá kỳ lạ nhất trong đại dương bên dưới khiến chúng ta cảm thấy như đang được đưa đến một thế giới khác.
1. Con tàu bị đắm... 3 lần
Năm 1863, tàu ngầm H.L. Hunley ra khơi giữa cuộc nội chiến Mỹ để bắt đầu chuyến hành trình đầu tiên dưới biển.
Nhiệm vụ của thủy thủ đoàn tàu thuộc hải quân Liên quân miền Nam này là chấm dứt cuộc phong tỏa cảng Charleston của Liên bang miền Bắc. Tuy nhiên con tàu đã bị chìm ngay trong lần định thực hiện nhiệm vụ đầu tiên và đây không phải lần duy nhất nó lâm vào cảnh này.
Tranh vẽ tàu H.L. Hunley năm 1864 của họa sĩ Conrad Wise Chapman Nguồn: Wikipedia
3 nỗ lực đã được thực hiện để trục vớt H.L. Hunley từ đáy biển. Đội trục vớt tin rằng con tàu bị chìm lần đầu tiên vì nó bị vướng vào dây thừng và bị kéo xuống dưới.
Sau khi sửa chữa xong, tàu ngầm Hunley lại ra khơi nhưng một trong các thành viên thủy thủ đoàn đã không đóng được một van quan trọng, khiến toàn bộ tàu bị ngập nước và chìm lần thứ hai.
Tàu H.L Hunley lại được trục vớt một lần nữa, được sửa chữa và gửi đi thực hiện nhiệm vụ khác vào năm 1874. Nhưng ngay sau khi nó đánh chìm được tàu U.S.S. Houseatonic của Liên bang miền Bắc, Hunley cũng chịu chung số phận mà không rõ lý do. Không ai biết điều gì đã dẫn đến vụ mất tích lần thứ ba của Hunley vào năm 1874.
Tàu ngầm H.L. Hunley sau khi được trục vớt. Nguồn: Naval Historical Center / Wikimedia Commons
Các nhà nghiên cứu tìm hiểu về H.L Hunley dựa trên những gì còn lại của nó. Ảnh: Naval Historical Center / Wikimedia Commons
Mãi đến 131 năm sau, vào năm 1995, tàu Hunley mới được tìm thấy dưới đại dương sâu thẳm nhưng những gì còn lại đã hoen gỉ và vỡ nát. Công tác trục vớt gặp nhiều khó khăn nên mãi đến năm 2000, các nhà nghiên cứu mới trục vớt thành công và bắt đầu tìm hiểu.
Nhưng với mức độ hư hại của thân tàu, các chuyên gia lo ngại một số đồ đạc và thiết bị của thủy thủ đoàn vẫn còn nằm dưới đáy đại dương. Họ khám phá con tàu một cách cẩn thận với hy vọng tìm thấy một số hiện vật vô giá bên trong con tàu.
2. Cóc biển
Ảnh: NOAA Ocean Exploration & Research
Có đủ loại sinh vật đại dương thú vị đang bơi dưới đáy đại dương và sinh vật màu đỏ này là một trong số đó. Nó là một loài cóc biển và có thể được tìm thấy ở độ sâu xấp xỉ 2.463 m dưới đáy Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Bên ngoài được bao phủ bởi gai nhọn nhỏ, cóc biển có hai đặc điểm thú vị làm nên sự độc đáo của chúng.
Cóc biển sẽ vẫy chiếc vây lưng có phát quang sinh học của chúng để dụ những con cá khác vào miệng. Con mồi của chúng bị ánh sáng mê hoặc đến mức không nhận ra đang đi vào cửa tử.
Một đặc điểm khác là chúng có thể tựa một vây ngực vào đá và tựa một vây khác vào cát, trông gần như nó đang đứng.
Ảnh: NOAA Ocean Exploration & Research
3. Tàu chiến Vasa và sứ mệnh 20 phút
Ngày 10-8-1628, tàu chiến Vasa của Thụy Điển ra khơi. Con tàu dài khoảng 69 m này được trang bị 64 khẩu pháo hạng nặng khiến nó trở thành một tàu chiến khá mạnh. Nhưng chuyến đi đầu tiên của nó không kéo dài được lâu. Nguyên nhân chủ yếu là kích thước quá lớn của nó.
Chưa đầy 20 phút sau khi rời bến, một cơn gió mạnh đã hất tàu Vasa sang một bên. Thật không may, những khẩu đại bác hạng nặng cùng kích thước to lớn của con tàu và trọng lượng tổng thể của 250 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu lúc đó đã khiến con tàu chìm xuống độ sâu khoảng 32 m.
Chiến hạm Vasa được trưng bày tại bảo tàng ở Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: Wikimedia Commons
Nhiều thế kỷ sau, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy các phần của thân tàu cũng như 40.000 hiện vật từ đống đổ nát. Những nhà thám hiểm đã dành ba thập kỷ để lập danh mục các hiện vật khác nhau.
Vào năm 1990, bảo tàng Vasa ở TP Stockholm (Thụy Điển) đã trưng bày con tàu lịch sử với tất cả vẻ đẹp lộng lẫy của nó để mọi người chiêm ngưỡng. Bất chấp hành trình ngắn ngủi của Vasa, Thụy Điển vẫn coi đây là một thành tựu quan trọng.
4. Cá mập... nhảy nước
Cá nhám phơi nắng là một loài cá mập ăn sinh vật phù du, có mũi hình nón và các khe mang lớn. Chúng dài khoảng 7-8 m nhưng đôi khi có thể phát triển lên đến 11 m, con đực thường lớn hơn con cái.
Chúng được coi là loài cá mập lớn thứ hai trên hành tinh. Nhưng đó không phải là lý do duy nhất mà các thợ lặn muốn tránh đụng phải chúng bằng mọi giá.
Cá nhám phơi nắng. Ảnh: Wikipedia
Răng của cá nhám phơi nắng rất nhỏ, chỉ dài khoảng 4 mm nhưng chúng có rất nhiều răng, chính xác là 1.200 chiếc răng! Tuy nhiên, điều khiến sinh vật này trở nên đáng sợ hơn cả là chúng hoàn toàn có thể nhảy lên khỏi mặt nước và táp con mồi một miếng hoặc kéo chúng xuống đáy đại dương.
Nhìn chung, loài cá này thích bơi dạo biển một mình. Nhưng các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chúng cũng có thể bơi cùng với 100 con đồng loại!
5. Sống núi giữa Đại Tây Dương
Sống núi giữa Đại Tây Dương (Mid-Atlantic Ridge-MAR) là một rặng núi giữa đại dương chạy dọc theo trục Bắc - Nam của đáy Đại Tây Dương và nó được coi là dãy núi dài nhất hành tinh.
Các nhà nghiên cứu phát hiện nó được hình thành bởi chuyển động phân kỳ giữa các mảng kiến tạo lục địa Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Phi và Á - Âu từ thời xa xưa.
Vị trí sống núi giữa Đại Tây Dương. Ảnh: Wikimedia Commons
6. Sứa lửa
Sứa lửa còn gọi là "Portuguese Man O’ War" (tạm dịch "Tàu chiến Bồ Đào Nha"). Chúng có tên gọi như trên vì trông giống như một chiếc tàu chiến thuộc thế kỷ XVIII đang căng buồm. Sinh vật này thường được tìm thấy ở Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương.
Độc tố từ sứa này khiến nạn nhân đau đớn. Riêng tại Úc, khoảng 10.000 trường hợp bị sứa lửa đốt được báo cáo vào mùa hè hàng năm.
Sứa lửa có hình dạng trong như chiếc tàu chiến. Ảnh: Wikipedia
Sứa lửa đã chết vẫn có thể truyền độc cho con người gây sưng ngứa. Ảnh: wikipedia
Ngay cả khi đã chết, sứa lửa vẫn có thể gây đau đớn cho người đi biển lỡ giẫm phải xác chết trôi dạt của chúng. Những nạn nhân không may đó có thể bị vết sưng kéo dài đến 3 ngày. May mắn là vết sưng này hiếm khi gây chết người.
7. Sứa ống Marrus Orthocanna
Marrus orthocanna là một loài sứa ống thường được tìm thấy ở các vùng nước lạnh như ở Bắc Đại Tây Dương, Tây Bắc Thái Bình Dương và Bắc Băng Dương.
Marrus orthocanna có hành xử giống như loài ong và chúng cũng làm việc tập thể vì lợi ích của "lãnh thổ" chung.
Mục đích chính của chúng là tìm kiếm thức ăn để tồn tại. Bất cứ khi nào phát hiện động vật giáp xác như tôm mysid, nhuyễn thể..., chúng sẽ mở rộng các xúc tu và bắt con mồi.
Sứa ống Marrus Orthocanna. Ảnh: wikipedia
8. Cỗ máy Antikythera
Vào năm 1900, thuyền trưởng Dimitrios Kontos và một đội thợ lặn tìm thấy các mảnh vỡ của một con tàu cổ ngoài khơi đảo Antikythera ở Hy Lạp. Cùng năm đó, họ giúp Hải quân Hoàng gia Hy Lạp thu hồi các hiện vật từ con tàu đắm.
Trong số các đồ vật được thu hồi có tiền xu, đồ trang sức, đồ thủy tinh, đồ gốm và các bức tượng bằng đồng và đá cẩm thạch. Tuy nhiên, khám phá thú vị nhất là cỗ máy Antikythera.
Cỗ máy Antikythera được cho là máy tính analog đầu tiên do con người phát minh và là một hiện vật vô giá. Trên thực tế, các nhà sử học tin rằng chiếc tàu chở thiết bị này gặp nạn khi đi từ đảo Rhodes của Hy Lạp đến Rome.
Cỗ máy Antikythera khai quật được. Ảnh: Wikipedia Commons
Các vật phẩm lấy được từ xác tàu hiện cất giữ tại Bảo tàng Khảo cổ học quốc gia ở thủ đô Athens - Hy Lạp.
Ngoài khả năng là máy tính analog đầu tiên, thiết bị trên còn là một công cụ thiên văn được sử dụng để tính toán và có thể hiển thị dữ liệu về hiện tượng thiên văn.
Công cụ làm bằng đồng và gỗ, được vận hành bằng tay, cho phép người Hy Lạp cổ đại dự đoán nguyệt thực, lập biểu đồ các chu kỳ khác nhau của mặt trăng và theo dõi các mùa trong năm. Thật không may, bảo tàng chỉ có khoảng một phần ba số mảnh ghép tạo nên cỗ máy này.
9. Cá mập yêu tinh
Cá mập yêu tinh được mệnh danh là "hóa thạch sống" vì chúng có niên đại cách đây 125 triệu năm. Kể từ khi loại cá mập này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1897, con người chỉ mới nhìn thấy được khoảng 50 con trong số chúng.
Loài cá mập yêu tinh (goblin shark) với chiếc mõm nhọn dài. Ảnh: Wikimedia Commons
Mõm của cá mập yêu tinh chứa cơ quan cảm giác có chức năng thụ cảm điện. Tính năng này cho phép cá mập phát hiện điện trường của con mồi để có thể nhanh chóng xác định vị trí và đuổi theo bữa ăn của mình, đồng thời cũng giúp nó biết kích thước con mồi. Vì vậy, cá mập sẽ biết trước liệu có cần phải chiến đấu không hay chỉ cần há miệng và nuốt con mồi.
10. Cá chiêm tinh (Stargazer)
Stargazer được coi là loài cá "cộc tính" nhất vì một số lý do. Nó phóng ra một dòng điện gây suy nhược đến cơ thể con mồi bằng cách sử dụng cơ mắt. Nhưng đó chưa phải là lý do duy nhất khiến bạn muốn tránh xa Stargazer.
Cá chiêm tinh rất độc. Chúng có hai chiếc gai cực lớn ở phía sau mí mắt và đôi vây có thể chích con mồi.
May là nọc độc của chúng không đủ mạnh để giết người nhưng nó có thể làm họ tê liệt tạm thời. Cá chiêm tinh sử dụng khả năng ngụy trang và nọc độc để làm tê liệt các con cá khác để ăn.
Cá chiêm tinh (Stargazer). Nguồn Wikipedia Commons
11. Mực khổng lồ
Loài mực này sống ở độ sâu khoảng 1.829 m so với mực nước biển. Chưa từng có ngư dân nào bắt sống được chúng và lý do có thể nằm ở hệ thống phòng thủ tự nhiên độc đáo của chúng.
Những con mực khổng lồ này rất khó bắt. Mỗi khi cảm thấy nguy hiểm, chúng sẽ phóng ra một dòng mực phát quang làm mù kẻ thù đủ lâu để có thể chạy thoát. Trong một số trường hợp, chúng sẽ sử dụng sự bối rối nhất thời này làm lợi thế để tấn công bằng hai xúc tu to gấp đôi cơ thể của chúng.
Trớ trêu thay, mực khổng lồ không tồn tại lâu trên thế giới này vì chúng có tuổi thọ chưa đến 3 năm.
Mực khổng lồ. Ảnh: Wikimedia Commons
12. Cá thầy tu (monkfish)
Điểm kỳ lạ nhất của loại cá này là đầu lõm xuống trông giống như ai đó đã giẫm lên chúng. Chúng thường được tìm thấy ở độ sâu khoảng 914 m dưới đại dương, thích dành phần lớn thời gian trong bùn hoặc trên cát dưới đáy đại dương để có thể săn mồi là những sinh vật nhỏ hơn chúng.
Đó có thể là lý do nó hay bị nhầm lẫn với một loài cá mập được gọi là cá mập thiên thần dù chúng hoàn toàn không phải là cùng một loài.
Có 7 loại cá thầy tu khác nhau trải khắp Bắc Cực, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Cho đến nay, con lớn nhất được tìm thấy dài khoảng 150 cm.
Cá thầy tu dưới đáy đại dương. Ảnh: Wikimedia Commons
Phần đầu nhiều gai và lõm xuống. Ảnh: Wikimedia Commons
13. Bạch tuộc đốm xanh
Loài bạch tuộc đốm xanh được cho là loài bạch tuộc duy nhất có độc tố đủ mạnh để giết một người trưởng thành.
Năm 1929, nhà động vật học người Anh Guy Coburn Robson phát hiện những sinh vật này chuyển sang màu vàng tươi và đốm của chúng nhấp nháy màu xanh lam sáng trong 1/3 giây sau khi chúng nhận thấy mối đe dọa.
Trong một số trường hợp, các vòng sẽ nhấp nháy màu xanh lục lam để cảnh báo sinh vật khác gần đó lùi lại.
Bạch tuộc đốm xanh tạo ra tetrodotoxin, một chất độc thần kinh có trong cá nóc. Chỉ cần 1 miligam là có thể giết người. Dù vậy, chúng hiếm khi cắn con người trừ khi cảm thấy bị đe dọa.
Bạch tuộc đốm xanh. Ảnh: Wikimedia Commons
Loài bạch tuộc nhỏ bé này có chất độc ngang ngửa cá nóc. Ảnh: Shutterstock
Bình luận (0)