Ba nhà nghiên cứu nói trên đã sử dụng phân tử huỳnh quang để vượt qua giới hạn vật lý về độ phân giải tối đa của kính hiển vi quang học truyền thống, cho phép các nhà khoa học quan sát sự vật ở độ phân giải cao hơn nhiều. “Eric Betzig và William E. Moerner, Stefan W. Hell được trao giải Nobel vì đã chế tạo loại kính hiển vi huỳnh quang siêu phân giải. Thành tựu mang tính đột phá này đã giúp kính hiển vi quang học có thể nhìn vào thế giới nano (một đơn vị đo lường để đo kích thước những vật cực nhỏ)” - Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển nhận định trong thông báo về giải thưởng trị giá 1,1 triệu USD nói trên hôm 8-10.
Với sự ra đời của loại kính hiển vi nano, các nhà khoa học giờ đây có thể nghiên cứu tế bào sống một cách chi tiết nhất từ trước đến giờ, như quan sát hoạt động của nó trong tế bào sống theo thời gian thực. “Bằng kính hiển vi nano, các nhà khoa học đã quan sát đường đi của các phân tử đơn lẻ bên trong các tế bào sống… Họ có thể theo dõi các protein liên quan đến chứng bệnh Parkinson, Alzheimer’s và Huntington khi chúng tổng hợp… Kính hiển vi nano đang được sử dụng ngày càng nhiều trên thế giới, giúp mang lại những kiến thức mới mẻ và có ích cho nhân loại mỗi ngày” - thông báo cho biết.
Ông Stefan W. Hell, 52 tuổi, hiện là Giám đốc Viện Hóa Lý Sinh Max Planck (Đức). Nhà nghiên cứu này được vinh danh vì phát triển nguyên lý cho phương pháp hiển vi làm nghèo bức xạ. Trong khi đó, ông Eric Betzing, 54 tuổi, hiện làm việc tại Viện Y tế Howard Hughes (Mỹ); còn ông Moerner, 61 tuổi, đang là giáo sư tại Đại học Stanford (Mỹ). Hai nhà nghiên cứu Mỹ này dù làm việc riêng biệt nhưng đã cùng nhau đặt nền tảng cho phương thức hiển vi phân tử. Ông Betzing đã sử dụng phương thức này lần đầu tiên vào năm 2006. Ông Tom Barton, Chủ tịch Hiệp hội Hóa học Mỹ, nhận định với hãng tin AP rằng nhờ những công trình này, nhiều lĩnh vực đã có được sự tiến bộ, như việc nghiên cứu sinh vật sống ở ngành sinh vật học.
Bình luận (0)