Ủy ban Giải Nobel Y học của Viện Karolinska (Thụy Điển) hôm 1-10 đã vinh danh 2 nhà miễn dịch học đến từ Mỹ và Nhật Bản vì những đóng góp mang tính cách mạng trong việc điều trị ung thư.
GS-TS James Allison - nhà khoa học miễn dịch đang giữ cương vị Giám đốc Viện Nghiên cứu ung thư Parker và Giám đốc điều hành về Công nghệ miễn dịch của Trung tâm Ung thư MD Anderson (thuộc ĐH Texas, Mỹ) - đã khám phá ra một loại protein có chức năng như một hệ thống phanh trên hệ miễn dịch. Ông nhận ra tiềm năng tháo bỏ chiếc phanh này bằng loại thuốc tác động lên khối tương tác của tế bào T và tế bào trình diện kháng nguyên, giúp chúng rảnh tay đánh bại các tế bào ung thư.
Hai nhà khoa học James Alison (trái) và Tasuki Honjo (phải) đoạt giải Nobel Y học 2018 Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, với một nghiên cứu khác, nhà miễn dịch học danh tiếng - GS Tasuku Honjo cùng các cộng sự tại ĐH Kyoto (Nhật Bản) đã khám phá ra một protein khác với chức năng tương tự, một phanh trên hệ miễn dịch, nhưng với cơ chế hoạt động khác biệt. Ông cũng tạo ra một phương thuốc khác nhằm "tắt" chiếc phanh này.
Hai liệu pháp này đều dựa trên tính năng tự nhiên của hệ miễn dịch: luôn tìm ra và tiêu diệt những kẻ xâm nhập có hại, bao gồm các tế bào đột biến. Thế nhưng, tế bào ung thư rất tinh ranh. Chúng tìm cách qua mặt hệ miễn dịch bằng cách thúc đẩy một cơ chế điều hòa âm tính, hay nói cách khác là một chiếc phanh mà hệ miễn dịch tự tạo ra để trói chân các "chiến binh" của mình.
Tờ The Guardian ca ngợi công trình của 2 nhà khoa học là "mang tính cách mạng", bởi thuốc của họ trực tiếp ức chế cơ chế tạo phanh sai lầm của hệ miễn dịch, từ đó khôi phục khả năng chống ung thư tự nhiên của cơ thể. Tuy thuốc ức chế này còn các tác dụng phụ đáng kể nhưng đã được chứng minh là có hiệu quả và đủ an toàn để sử dụng. Trong một số trường hợp, các liệu pháp mà 2 nhà khoa học phát triển thậm chí điều trị được các ca ung thư giai đoạn cuối từng được xác định là vô phương cứu chữa.
Chia sẻ sau khi nhận tin vui, TS Allison cho biết ông và các cộng sự đã thực hiện thí nghiệm đầu tiên vào năm 1994 và trong "thuở ban đầu" ấy, họ đã giúp các con chuột ung thư lành bệnh. Từ đó, họ đã dành hàng chục năm nghiên cứu để công trình có thể trực tiếp tạo nên phép mầu trên con người.
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển sẽ công bố người thắng giải Nobel Vật lý, Nobel Hóa học và Nobel Kinh tế lần lượt vào ngày 2, 3 và 8-10. Ủy ban Nobel Na Uy sẽ công bố Giải Nobel Hòa bình vào ngày 5-10. Riêng giải Nobel Văn học bị tạm hoãn và chưa có thông báo chính thức về thời gian diễn ra.
Bình luận (0)