Số người chết có xác nhận từ thảm họa này đã vượt con số 5.600 người. Hơn 9.500 người đang mất tích và hàng ngàn người đang sống trong các khu tạm bợ.
Khủng hoảng nguyên tử ở Nhật trở nên nghiêm trọng khi nguồn cung điện cho nhà máy Fukushima bị phá hủy sau thảm họa kép và máy phát điện thay thế cũng “chết dí”.
Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), điều hành nhà máy này, đang nỗ lực kết nối mạng điện của nhà máy với mạng điện chính qua một đường dây cáp dài 1 km.
Hiện nay, trực thăng và súng phun nước đang bơm nước vào các lò phản ứng của nhà máy để ngăn các thanh nhiên liệu tan chảy.
Các đoạn phim cho thấy phần lớn nước đều bị đưa chệch mục tiêu nhưng theo một phát ngôn viên của TEPCO, chiến dịch này cũng ít nhiều thành công.
Một phát ngôn viên khác của TEPCO cho biết theo hình ảnh quan sát trên không, lò phản ứng số 4 đã chứa một ít nước.
Ông nói: “Chúng tôi chưa xác nhận được còn bao nhiêu nước trong lò phản ứng nhưng chúng tôi không nhận được thông tin các thanh nhiên liệu bị phơi ra”.
Trước đó, quan chức cao cấp IAEA, ông Andrew Graham, cho biết tình hình tại Fukushima không diễn biến xấu và “khá ổn định”.
Lãnh đạo IAEA, ông Yukiya Amano, đang trên đường tới Tokyo để gặp các quan chức Nhật Bản.
Nhật Bản đã áp đặt khu vực cấm trong phạm vi 20 km xung quanh Fukushima và kêu gọi người dân sinh sống trong phạm vi 30 km không ra khỏi nhà. Một số nước cũng khuyến cáo công dân của mình đang sinh sống tại Nhật Bản tránh xa khu vực 50 km.
Hàng chục nghìn người vẫn đấu tranh không mệt mỏi trước hậu quả sau thảm họa kép hôm 11-3.
Hãng tin Kyodo Nhật Bản dẫn lời các nhân viên cứu hộ cho biết khu vực tìm kiếm các nạn nhân đã được mở rộng khi đường tiếp cận những nơi này được cải thiện sau khi các đống đổ nát được thu dọn.
Kyodo cho biết con số thương vong chính thức chỉ dựa theo tên đăng ký với cảnh sát và con số thực tế có thể lên tới hàng chục nghìn người.
Khoảng 380.000 người đang sống tạm bợ trong các khu lưu trú, nhiều người phải ngủ trên những sàn nhà lạnh lẽo.
Nhiều nước đang sơ tán công dân khỏi khu vực đông bắc Nhật Bản hoặc khuyến cáo họ rời đất nước.
Cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục ảnh hưởng kéo dài tới thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei chuẩn giảm 3,6% trong phiên giao dịch sáng 17-3, ngay sau khi đồng yên tăng giá kỷ lục so với đô la Mỹ kể từ chiến tranh thế giới 2.
Bình luận (0)