Bắt đầu từ ngày 11-6 (giờ địa phương), mưa có thể rơi ở miền Đông Canada, bao gồm phía Nam tỉnh Ontario và Tây Nam tỉnh Quebec, giúp giảm bớt khói mù do cháy rừng khốc liệt.
Canada mong mưa
Nhà khí tượng học Canada Gerald Cheng dự báo mưa cũng có khả năng vươn xa hơn đến các khu vực phía Bắc của Quebec, nơi đang diễn ra các đám cháy lớn nhất, nhưng phải đợi tới ngày 13-6 và lượng mưa chỉ khoảng 10-20 mm.
Tính đến ngày 10-6, có tới 426 đám cháy đang hoành hành ở Canada, trong đó 144 đám ở Quebec. Giới chức Quebec thông báo đến ngày 12-6 sẽ có khoảng 1.200 lính cứu hỏa chiến đầu với cháy rừng ở tỉnh này, nơi có diện tính rừng che phủ còn rộng hơn cả diện tích Đức, Tây Ban Nha và Pháp cộng lại.
Cháy rừng ở Canada thường xảy ra vào mùa hè nhưng quy mô như hiện nay là chưa từng có tiền lệ. Các đám cháy ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương của Canada đã "ngốn" 4,4 triệu ha tới lúc này, khiến hàng chục ngàn người phải bỏ nhà cửa trong khi khói do cháy rừng làm cư dân từ Toronto - Canada đến New York - Mỹ khó thở, theo Reuters.
Cháy rừng dữ dội ở Tumbler Ridge, tỉnh British Columbia - Canada Ảnh: REUTERS
Đài CNN dẫn lời các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu khí hậu và môi trường Na Uy (NILU) cho biết khói từ cháy rừng ở Canada đã băng qua Greenland, Iceland và đang hướng tới Na Uy cùng nhiều nước châu Âu khác. Nhưng rất may là sau khi vượt quãng đường quá xa, chúng bị loãng đi và không gây hại cho sức khỏe.
Lý giải về thảm họa đang xảy ra, bà Katrina Moser, Chủ nhiệm Khoa Địa lý và Môi trường của Trường ĐH Western, nhận định do tuyết tan sớm hơn và thực vật khô hơn, chỉ cần một mồi lửa - do sấm chớp hoặc con người - cũng đủ thổi bùng đám cháy cực nhanh.
"Đây là điều mà các nhà khoa học đã cảnh báo nhiều năm rồi. Chúng ta phải giảm lượng phát thải do đốt nhiên liệu hóa thạch" - bà Moser nhấn mạnh.
Thêm vào đó là tác động của con người vào cảnh quan. Ông Robert Gray, nhà sinh thái học ở tỉnh British Columbia, nói với tờ Guardian rằng trong những thập kỷ gần đây, ngành lâm nghiệp Canada chạy theo lợi nhuận trồng những loài cây phát triển nhanh, bao gồm thông vỏ trắng Bắc Mỹ.
Loài thông này rất dễ bắt lửa trong khi những cây trồng tự nhiên ở miền Tây Canada như tần bì núi, linh sam… vốn khó cháy. Chưa hết, chỉ riêng phía Tây của Bắc Mỹ đã có gần 30 triệu ha thông bị bọ thông núi ăn chết, tạo ra những mảng "bùi nhùi" lớn dễ làm mồi cho lửa.
"Nước thuyền rồng" ở Trung Quốc
Cơ quan dự báo thời tiết của Trung Quốc hôm 11-6 dự báo đặc khu Hồng Kông sẽ có mưa dông trong suốt 9 ngày tới, ngay sau cuối tuần rất nóng nực vừa qua. Khu vực áp thấp trên đảo Hải Nam dự kiến di chuyển về phía Đông, băng qua phía Bắc biển Đông trong ngày 12 và 13-6.
Lực lượng cứu hộ ở TP Bắc Hải - Trung Quốc hỗ trợ người dân trong lũ hôm 8-6 Ảnh: REUTERS
Tuy khả năng phát triển thành bão thấp hơn dự báo trước đây nhưng áp thấp và rãnh áp thấp đi kèm này vẫn gây mưa dông. Gió mùa Tây Nam cũng hoạt động mạnh vào giữa và cuối tuần này ở Trung Quốc, gây thời tiết không ổn định ở bờ biển tỉnh Quảng Đông trong khi bão Guchol sẽ di chuyển từ vùng biển phía Nam Nhật Bản trong vài ngày tới, theo South China Morning Post.
Trước đó, nhiều khu vực ở Tây Nam Trung Quốc như các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông đã đón những cơn mưa đầu mùa hè cực đoan mà người dân địa phương gọi là "nước thuyền rồng".
TP Bắc Hải ở Quảng Tây có lượng mưa đạt 614,7 mm chỉ trong 24 giờ tính đến 5 giờ ngày 9-6 (giờ địa phương), gây ngập nhiều con đường, nhà cửa và lính cứu hỏa phải nỗ lực giải cứu người dân. Các chuyến phà từ thành phố này đến đảo Vi Châu lân cận bị đình chỉ từ ngày 10 đến 12-6.
TP Ngọc Lâm ở tỉnh Quảng Tây gần đó cũng đón 35 giờ mưa liên tiếp ngày 8 và 9-6, trong khi nhiều ngôi làng và thị trấn lân cận ngập trong lũ. Lượng mưa ở nhiều khu vực đã lập kỷ lục mới và dự kiến còn kéo dài trong những ngày tới, ngay sau tháng 5 hạn hán khốc liệt mà Quảng Tây vừa hứng chịu.
Tại tỉnh Hà Nam, lượng mưa lớn cũng trút xuống trong các ngày trước đó, tàn phá nhiều vùng trồng lúa.
Trong khi đó, theo Reuters, các bang Gujarat, Maharashtra, Goa và các vùng ven biển phía Tây Ấn Độ được đặt trong tình trạng báo động từ hôm 10-6 do bão Biparjoy trên biển Ả Rập mạnh lên trong ngày 11-6.
Nhà chức trách yêu cầu ngư dân tạm dừng mọi hoạt động ở vùng biển phía Đông và trung tâm biển Ả Rập, cũng như dọc theo vùng Saurastra và Kutch của Ấn Độ trong 5 ngày kể từ 11-6. Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) phân loại bão Biparjoy là "rất mạnh", sẽ gây mưa lớn ở một phần bang Kerala và vùng ven biển Karnataka trong 3 ngày kể từ 11-6.
Uruguay thiếu nước trầm trọng
Theo hãng tin Bloomberg, Uruguay đang trải qua đợt hạn hán kỷ lục dẫn đến cuộc khủng hoảng nước chưa từng có, ảnh hưởng tới phân nửa trong số 3,5 triệu dân của đất nước. Công ty cấp nước do nhà nước điều hành OSE đã phải trộn nước lợ từ cửa sông Rio de la Plata với nguồn nước ngọt đang cạn kiệt dần để tránh cảnh cắt nước tại thủ đô Montevideo.
Khổ sở với nước máy có vị mặn từ tháng 4, nhiều người dân phải chi thêm một khoản lớn cho nước uống đóng chai hoặc dùng nước từ các giếng cũ. Các cảnh báo sức khỏe cũng được đưa ra với các nhóm nguy cơ, ví dụ phụ nữ mang thai, khi phải uống nước quá nhiều muối.
Vốn chằng chịt sông ngòi và có lượng mưa lớn hằng năm nhưng Uruquay đang phải trải qua hơn 3 năm hạn hán liên tiếp. Nước trong hồ chứa chính Paso Severino của Montevideo hiện chỉ đạt 7% tổng dung tích 67 triệu m3.
Nước này đang mong mưa - được dự báo nhiều hơn trong vài tháng tới do ảnh hưởng của El Nino, song cuộc khủng hoảng nước trong lúc chờ đợi khiến chính quyền của Tổng thống Luis Lacalle Pou bị chỉ trích vì chậm triển khai các dự án cải tạo nguồn cấp nước.
Bình luận (0)