Vào ngày thứ 76 sau khi nhậm chức (hôm 5-4), Tổng thống Mỹ Donald Trump tái tổ chức Hội đồng An ninh quốc gia (NSC). Trong đó, ông bất ngờ đảo ngược nhiều quyết định mà mình đưa ra khi mới bước chân vào Nhà Trắng.
Hết nhiệm vụ
Đáng chú ý nhất là chiến lược gia trưởng của Nhà Trắng, ông Steve Bannon, phải nhận quyết định rời khỏi ủy ban nòng cốt của NSC. Đây là vị trí mà ông Trump quyết dành cho nhân vật có công lớn giúp mình thắng cử bất chấp nhiều chỉ trích, không chỉ từ Đảng Dân chủ mà còn cả “người nhà” ở Đảng Cộng hòa và những nhân vật cộm cán của cộng đồng tình báo.
Giới chức Nhà Trắng dường như tìm cách giảm nhẹ động thái khó có thể coi là bình thường này bằng lời giải thích ông Bannon vốn được giao nhiệm vụ để mắt các hoạt động của Cố vấn An ninh quốc gia Michael Flynn tại NSC. Thế nhưng, Tướng Flynn đã “rớt đài” hồi tháng 2 vì bê bối khai man về cuộc gặp với phía Nga, đồng nghĩa trách nhiệm “giám sát” của ông Bannon đã chấm dứt.
Tuy nhiên, theo tiết lộ của trang Politico, ông Jared Kushner, con rể của Tổng thống Trump, chính là người đứng sau quyết định giáng chức khiến ông Bannon nóng mặt tới mức “dọa từ chức khỏi chính quyền” này.
Bannon và Kushner ngay từ đầu đã không có tiếng nói chung trong nhiều vấn đề. Ông Kushner gần đây còn mở lời với các đồng nghiệp rằng chương trình nghị sự theo chủ nghĩa dân tộc của ông Bannon sẽ gây nguy hại tới Tổng thống Trump. Một quan chức chính quyền cấp cao nói với Politico: “Một cuộc chiến lớn đang diễn ra giữa những người theo chủ nghĩa dân tộc và “phe Dân chủ ở cánh Tây” (ám chỉ ông Kushner - từng là đảng viên Dân chủ ở New York)”.
Đài CNN cho rằng việc giáng chức đối với ông Bannon tại NSC có thể đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong cán cân quyền lực giữa bộ tứ cố vấn cấp cao của Nhà Trắng mà vị chiến lược gia trưởng ban đầu được xếp ở vị trí số 1 bên cạnh Chánh Văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus, cố vấn tổng thống Kellyanne Conway và cố vấn cấp cao Kushner. Trang Vox đưa ra câu hỏi: “Phải chăng Jared Kushner sẽ là một Steve Bannon mới?”.
Tuy vậy, một nhân vật thân cận ông Trump tiết lộ với Reuters rằng tầm ảnh hưởng của ông Bannon không hề suy suyển và ông vẫn sẽ nhận được sự tin tưởng hoàn toàn của tổng thống. Thế nhưng, sau sự khởi đầu không mấy suôn sẻ của chính quyền, khi áp lực đè nặng, ông Trump buộc phải tái cải tổ những vị trí của người thân cận nhất.
Người chiến thắng
Theo Reuters, việc ông Bannon đi khỏi NSC dường như cũng là thắng lợi lớn của ông H.R. McMaster - người tiếp quản chiếc ghế Tướng Flynn để lại. McMaster từng nói với một số chuyên gia an ninh quốc gia rằng ông cảm thấy đang ở trong “cuộc chiến sống còn” với ông Bannon - nhân vật có tiếng nói trong hầu hết quyết định lớn - cũng như nhiều quan chức Nhà Trắng khác.
Với cuộc cải tổ mới nhất, trách nhiệm về chương trình nghị sự của NSC được giao hoàn toàn cho ông McMaster. Vị cố vấn an ninh quốc gia này còn được bật đèn xanh trong các quyết định bổ nhiệm nhân sự - việc mà thời gian qua ông không ít lần chịu sự can thiệp của cả ông Bannon và con rể tổng thống.
Ngoài việc đạt được quyền kiểm soát lớn hơn tại NSC, ông McMaster còn được ủy quyền nhiều hơn đối với Hội đồng An ninh nội địa sau khi Tổng thống Trump quyết định thu hẹp quyền lực của Cố vấn An ninh nội địa Tom Bossert. Đồng thời, Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ Dan Coats và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, Đại tướng Joseph Dunford, cũng được “phục chức”, quay trở lại NSC với vị trí thành viên thường trực. Hai người này bị “mất chỗ” trong cuộc tái tổ chức NSC đầu tiên của ông Trump.
Nhiều ý kiến hoan nghênh cơ quan này đã trở về cơ cấu truyền thống trước đây. Theo nghị sĩ Adam Schiff, thành viên Ủy ban Tình báo Hạ viện, việc cải tổ NSC là bước đi tích cực giúp ông McMaster “giành lại quyền kiểm soát một cơ quan đã bị chính trị hóa bởi sự tham gia của ông Bannon”. Dù khá kín tiếng nhưng ông McMaster được cho là đang trở thành cầu nối quan trọng cho các nhà ngoại giao nước ngoài và nhanh chóng gầy dựng được sự tin tưởng trong nội bộ của ông Trump.
Bình luận (0)