Người nổi tiếng, chính trị gia kết liễu đời mình, sinh viên nhảy cầu tự tử vì trượt đại học hạng nhất, cụ ông treo cổ để đỡ gây gánh nặng gia đình… Những thông tin chấn động này thường xuyên đăng nổi bật trên báo chí Hàn Quốc.
Tự tử ở khắp nơi
Đất nước được mệnh danh là “điều kỳ diệu bên sông Hàn” lại thống trị vị trí số 1 suốt 11 năm liên tiếp về tỉ lệ tự tử trong các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), theo Báo cáo Dữ liệu y tế 2015. Tự tử cũng là nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ tư tại đất nước này.
Học viên ôm di ảnh nằm trong quan tài một lễ tang giả tại Trung tâm Hàn gắn Seoul Hyowon Ảnh: AGENCE VU
Báo Korea Herald hôm 4-1 dẫn nghiên cứu từ nhóm của GS Park Sang-hwa tại Trung tâm Nghiên cứu Y tế - ĐHQG Seoul, cho biết số người Hàn Quốc tìm tới cái chết đã tăng gấp 3 lần trong 25 năm qua. Theo đó, tỉ lệ tự tử trung bình lên tới 29,6 vụ/100.000 người trong giai đoạn 2010-2014, tăng gấp 3,6 lần so với khoảng thời gian 1985-1989.
Trong bài viết có tựa đề “South Korea’s Struggle With Suicide” (tạm dịch: Hàn Quốc vật lộn với nạn tự tử) trên báo New York Times hồi tháng 4-2014, nhà văn trẻ Yong-Ha Kim phải thốt lên đầy ngao ngán: “Tự tử ở khắp nơi!”.
Tác giả cuốn tiểu thuyết “I have the right to destroy myself” (tạm dịch: Tôi có quyền hủy hoại bản thân) bất giác nhận ra sự thật cay đắng đó từ chính những trải nghiệm của bản thân trong các câu chuyện hằng ngày, từ quán rượu tới những cuộc gặp bạn cũ, chỗ nào cũng nói về những người thân quen vừa tự sát. Không khó lý giải sự tang tóc ám ảnh những câu chuyện hằng ngày như vậy khi mỗi ngày có tới 40 người tự tử ở Hàn Quốc.
Trong cuộc chiến hòng thoát cái tiếng “đất nước tự tử”, giới chức trách đã tiến hành vô số giải pháp song xứ kim chi đến nay vẫn là quốc gia có tỉ lệ tự tử cao thứ hai thế giới sau Guyana - quốc gia Nam Mỹ có chỉ số GDP theo đầu người chỉ bằng 1/7 Hàn Quốc.
Chiến dịch “Cây cầu sự sống” chính là ví dụ điển hình cho sự phản tác dụng đầy trớ trêu trong quyết tâm đẩy lùi thảm nạn quốc gia này. Cây cầu Mapo bắc qua sông Hàn tại Seoul chứng kiến nhiều vụ nhảy cầu chết chóc tới mức nó được gọi là “Cầu tự tử”.
Năm 2012, chính quyền Seoul và hãng bảo hiểm nhân thọ Samsung đã cùng khởi xướng một dự án nhằm biến “Cầu tự tử” thành “Cầu sự sống” sau khi số liệu thống kê cho thấy 90% những người nghĩ quẩn chọn nơi này để nộp mình cho thần chết.
Một công ty quảng cáo của dự án đã kêu gọi cộng đồng hiến kế về nội dung các thông điệp trên các tấm panel có tranh minh họa trên lan can của cây cầu. Những tấm panel sẽ đập vào mắt những người đến gần lan can với các thông điệp mang tính khích lệ như “Tôi biết cuộc sống không dễ dàng gì với bạn” hay “Phần tươi đẹp nhất của cuộc đời vẫn còn ở phía trước”…
Một năm sau, tỉ lệ tự tử trên cầu Mapo tăng gấp 6 lần! Thay vì ngăn cản việc tự tử, không rõ vì sao “Cầu sự sống” lại tiếp nhận những người chán sống nhiều hơn!
Vì đâu?
Sau khi dự án trên phá sản, chính quyền Hàn Quốc tiếp tục cuộc chiến với sáng kiến lắp đặt hệ thống chống tự tử trên cầu Mapo. Hệ thống này có gắn máy quay an ninh được lập trình đặc biệt để “bắt sóng” những người đang đi tìm tử thần.
Khi có tín hiệu báo động, một nhóm bác sĩ và chuyên gia tâm lý sẽ có mặt sau 3 phút tại hiện trường. Ngoài ra, giới chức còn triển khai nhiều biện pháp khác như cấm sản xuất thuốc trừ sâu độc hại, dịch vụ tư vấn tâm lý cho những người có nguy cơ tự sát…
Từ một trong những đất nước nghèo nhất thế giới vươn tới vị trí nền kinh tế đứng thứ 12 toàn cầu, sự chuyển đổi đột ngột đã tạo ra những hệ lụy xã hội khổng lồ tại Hàn Quốc, theo GS Ranjit Kumar Dhawan thuộc Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ). Sự bùng nổ tài chính nhanh chóng đã kéo theo việc thay đổi ý thức hệ từ chủ nghĩa tập thể sang chủ nghĩa cá nhân khiến nhiều gia đình tan rã, nhiều người cảm thấy bị cô lập.
Theo Daily Mail, ngày nay, chỉ còn chưa tới 1/3 dân số Hàn Quốc (hơn 50 triệu người) giữ quan điểm truyền thống về nghĩa vụ hỗ trợ tài chính cho những người thân lớn tuổi. Trong khi đó, những người lớn tuổi lo sợ vì mặc cảm gây gánh nặng cho con cháu. Đối tượng này ở Hàn Quốc có nguy cơ tự tử gấp 4 lần so với những quốc gia phát triển khác.
Báo cáo từ Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc từ đầu năm 2016 cho thấy trốn tránh điều trị tâm thần và lạm dụng rượu là 2 nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ tự tử cao bất thường ở nước này. Theo đó, gần 90% người tự tử đã được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần, chỉ 15% điều trị trước khi tìm tới cái chết. Nạn kỳ thị xã hội được cho là xúc tác khiến bệnh nhân rối loạn tâm thần và lạm dụng chất gây nghiện mặc cảm không dám tìm sự trợ giúp.
Kỳ tới: Tổn thương trong lòng nước Nhật
Trường dạy chết
Điều nghe có vẻ lạ lùng này lại đang là một dịch vụ bùng nổ tại Trung tâm Hàn gắn Seoul Hyowon (hay còn được gọi một cách trần trụi hơn là “trường dạy chết”) ở thủ đô Seoul. Trong số các học viên có những trẻ vị thành niên không thể đương đầu với áp lực thi cử, những phụ huynh bế tắc sau khi con cái bỏ nhà đi và những người lớn tuổi không muốn trở thành gánh nặng cho con cháu.
Họ ngồi nghe giảng ngay giữa những chiếc quan tài sau đó sẽ được dùng để tổ chức lễ tang giả cho chính mình. Bài thuyết giảng đến từ Giám đốc trung tâm Jeong Yong-mun, vốn từng làm cho một công ty mai táng, về việc phải chấp nhận các vấn đề vốn là một phần tất yếu của cuộc sống và cố gắng tìm niềm vui trong những tình huống khó khăn.
Lễ tang giả bắt đầu với các học viên chụp hình với ảnh thờ mang băng đen của chính mình. Tiếp đó, họ sẽ viết di chúc hoặc thư tuyệt mệnh để lại cho gia đình trước khi chui vào quan tài trong trang phục truyền thống. Mục đích của liệu pháp này cố tình để những người trong cuộc thấm thía nỗi đau của những người ở lại. Sau đó, một người đàn ông mặc đồ đen với chiếc mũ dài đại diện cho Thần Chết sập nắp quan tài, đánh dấu thời khắc sang thế giới bên kia. Một mình với bóng tối bao trùm bên trong cỗ quan tài trong khoảng 10 phút - trải nghiệm chưa từng có trong đời, được cho là sẽ giúp những người nằm bên trong có thể suy ngẫm về ý nghĩa và giá trị của cuộc sống.
Bình luận (0)