Chính phủ Úc hôm 11-8 đã quyết định nói “không” với các công ty Trung Quốc và Hồng Kông muốn nắm quyền kiểm soát hệ thống lưới điện lớn nhất nước ở bang New South Wales trong 99 năm.
Đi ngược lợi ích quốc gia
Nhấn mạnh những quan ngại về lợi ích an ninh quốc gia, Bộ trưởng Tài chính Úc Scott Morrison khẳng định Canberra sẽ không cho phép bán 50,4% cổ phần mạng lưới điện ở bang đông dân nhất nước Úc cho cả Công ty Lưới điện nhà nước Trung Quốc (SGCC) lẫn Tập đoàn Cheung Kong Infrastructure Holding (CKI) của tỉ phú Hồng Kông Lý Gia Thành. Thương vụ này có thể đem về cho chính quyền bang số tiền lên đến 7,6 tỉ USD. Dù khước từ 2 công ty trên, ông Morrison khẳng định cánh cửa của Canberra vẫn tiếp tục rộng mở với đầu tư nước ngoài.
Cả 2 doanh nghiệp bị Úc cự tuyệt có 2 tuần để kháng nghị. Trên thực tế, CKI hiện nắm 51% cổ phần hệ thống điện lưới của bang Nam Úc, trong khi SGCC cũng đang đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng ở một số địa phương tại Úc. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Úc chỉ đề cập tới các quan ngại về an ninh quốc gia đối với các dịch vụ năng lượng, viễn thông mà Công ty Lưới điện Ausgrid (thuộc sở hữu nhà nước ở bang New South Wales) cung cấp cho các doanh nghiệp, chính quyền địa phương.
Ông Peter Jennings, Giám đốc điều hành Viện Chính sách chiến lược của Úc, cảnh báo hệ thống lưới điện Austgrid có thể dễ dàng bị tin tặc đánh sập nếu được Trung Quốc kiểm soát, tương tự vụ việc xảy ra với mạng lưới điện của phần phía Tây Ukraine hồi tháng 12-2015.
Quyết định trên được đưa ra chỉ vài tháng sau khi chính quyền Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull ban hành những luật lệ cứng rắn hơn liên quan việc bán các cơ sở hạ tầng quan trọng thuộc sở hữu nhà nước cho các nhà đầu tư nước ngoài. Động thái này xuất phát từ nỗi quan ngại đang tăng cao sau khi Úc cho phép Công ty Landbridge của Trung Quốc thuê cảng chiến lược quan trọng Darwin trong vòng 99 năm. Canberra gần đây cương quyết không cho Tập đoàn S. Kidman & Co bán mảnh đất có diện tích tương đương 1% diện tích đất nước cho Tập đoàn Dakang Australia của Trung Quốc.
Do thám hạt nhân
Trong khi đó, chính phủ Mỹ vừa buộc tội Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Trung Quốc (CGN) và kỹ sư hạt nhân Trung Quốc nhập tịch Mỹ Hà Tắc Hùng do thám hạt nhân. Theo bản cáo trạng 17 trang do Bộ Tư pháp Mỹ công bố, kỹ sư họ Hà và CGN âm mưu phát triển vật liệu hạt nhân ở Trung Quốc mà không có sự cho phép của nhà chức trách Mỹ để “tạo lợi thế” cho Bắc Kinh. Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ John Carlin chỉ rõ dưới sự chỉ đạo của CGN, Hà Tắc Hùng đã tiếp cận và lôi kéo trái phép các chuyên gia hạt nhân làm việc tại Mỹ hỗ trợ để phát triển và sản xuất vật liệu hạt nhân đặc biệt ở Trung Quốc.
Ông Michael Steinbach, một quan chức Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), cảnh báo những hành động vi phạm luật lệ giám sát hoạt động hợp tác hạt nhân dân sự có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia. “Mỹ sẽ sử dụng tất cả công cụ thực thi pháp luật để ngăn chặn những kẻ tìm cách đánh cắp công nghệ và bí quyết hạt nhân” - ông Steinbach nhấn mạnh. Theo giới chức Mỹ, họ Hà bị buộc tội câu kết với CGN từ năm 1997 đến tháng 4-2016. Tội danh tham gia bất hợp pháp vào hoạt động phát triển vật liệu hạt nhân bên ngoài nước Mỹ có thể đối mặt án tù chung thân, còn mức án cao nhất đối với tội làm gián điệp tại Mỹ cho chính phủ nước ngoài là 10 năm tù.
Theo báo giới Anh, đáng chú ý là CGN - công ty năng lượng hạt nhân lớn nhất ở Trung Quốc - chính là doanh nghiệp nắm giữ 33% cổ phần dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C (có tổng vốn đầu tư 23,7 tỉ USD) vừa bị chính quyền Thủ tướng Theresa May tạm hoãn, một phần do những lo ngại liên quan tới sự tham gia của Bắc Kinh vào dự án. London hôm 9-8 một lần nữa bảo vệ quyết định xem xét lại dự án ít nhất cho đến mùa thu năm nay bất chấp Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh cảnh báo nước này có thể đối mặt tình trạng thiếu điện. Đây là dự án án lớn nhất được công bố trong chuyến thăm cấp nhà nước tới London vào tháng 10 năm ngoái của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bình luận (0)