Sau hơn 6 tháng cứng rắn, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan rốt cuộc đã chịu gửi lá thư hòa giải đến người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Dù vẫn còn tranh cãi về chuyện ông Erdogan “xin lỗi” hay chỉ “lấy làm tiếc” về vụ chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom Nga hồi tháng 11-2015, lá thư đánh dấu sự xuống nước của nhà lãnh đạo đang đối mặt đủ loại thách thức trong và ngoài nước.
Về mặt chính trị, ông Erdogan ngày càng bị cô lập bởi lập trường độc đoán trong nước, thái độ “hiếu chiến” với châu Âu liên quan đến cuộc khủng hoảng di cư và một chính sách ngoại giao có vấn đề. Dưới thời ông Erdogan, Ankara tìm cách nhích lại gần các nước láng giềng Hồi giáo, một sự chuyển hướng so với quá khứ. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã tính sai khi theo đuổi chiến lược lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ankara cũng bất bình ra mặt khi Washington hỗ trợ những tay súng người Kurd đang chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
“Trong vài năm trở lại đây, Thổ Nhĩ Kỳ chuyển từ chính sách “không có mối bất hòa nào với láng giềng” sang “không có quan hệ nào là không có vấn đề”. Xem ra chỉ có Qatar và Ả Rập Saudi là những người bạn thật sự của chính phủ Ankara lúc này” - bà Asli Aydintasbas, chuyên gia tại Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại, nhận định với báo The New York Times.
Về mặt kinh tế, lệnh trừng phạt của Nga sau vụ bắn hạ máy bay khiến Thổ Nhĩ Kỳ thiệt hại không nhỏ. Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu ước tính lệnh trừng phạt này sẽ khiến tăng trưởng kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ giảm từ 0,3%-0,7% trong năm 2016. Tóm lại, đằng sau quyết định giảng hòa với Nga là nhu cầu “sinh tồn” cấp thiết của ông Erdogan bởi thật khó lãnh đạo một đất nước phải chịu đựng cùng lúc cảnh bạo lực leo thang (do các cuộc tấn công của IS và phần tử cực đoan người Kurd), một nền kinh tế èo uột và một danh sách không ít kẻ thù.
Với Điện Kremlin, lá thư trên cũng là cú hích không nhỏ bởi thực tế, Nga lúc này không khá hơn Thổ Nhĩ Kỳ bao nhiêu. Kinh tế Nga suy thoái do giá dầu sụt giảm và các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Quan hệ giữa Nga với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dù không còn căng như trước nhưng sự cô lập vẫn còn đó. Riêng EU trong tuần này chính thức gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga đến cuối tháng 1-2017.
Hàn gắn với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp Nga có lại một đối tác với kim ngạch thương mại song phương lên đến 30 tỉ USD/năm và một khách hàng dầu khí không nhỏ. Vị thế của Nga trên thị trường khí đốt toàn cầu cũng dự kiến tăng đáng kể nếu cuộc đàm phán về dự án xây dựng đường ống dẫn khí “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” được nối lại. Chưa hết, theo một số nhà phân tích, Moscow có thể chiếm thế thượng phong trong cuộc khủng hoảng Syria một khi quan hệ với Ankara tan băng thêm. Nga đang muốn Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi thái độ với ông Assad và gây sức ép để các nhóm đối lập được Ankara hậu thuẫn ngồi vào bàn đàm phán.
Hai ngày sau khi nhận lá thư, ông Putin hôm 29-6 đã điện đàm lần đầu tiên với ông Erdogan kể từ khi sự cố máy bay. Ngay ngày hôm sau, Nga dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận du lịch với Thổ Nhĩ Kỳ. Đến ngày 1-7, ngoại trưởng 2 nước có cuộc hội đàm tại TP Sochi - Nga. Rõ ràng, với những lợi ích như trên, Moscow và Ankara đang tăng tốc hết cỡ để “nối lại tình xưa”.
Bình luận (0)