Lo sợ để mất TP Mosul vào tay lực lượng Iraq, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vừa phóng hỏa nhà máy sulfur Al-Mishraq, cách Mosul gần 40 km về phía Nam, đe dọa gây ngột ngạt khắp Trung Đông.
Thủ đoạn thâm độc
“Những người trong khu vực bị ảnh hưởng bởi vụ cháy kể họ cảm thấy khó thở, mắt nóng rát, mũi và họng cay xè khi hít thở làn khói độc hại này. Chưa hết, da ướt sẽ bị cháy phỏng dưới tác động của đám mây hóa chất được gió thổi lan xa” - báo The Wall Street Journal tường thuật. Giới phân tích nhận định hành động đốt nhà máy trên của IS hôm 22-10 là nhằm ngăn chặn bước tiến của các lực lượng Iraq đến thành trì cuối cùng của chúng tại nước này. Theo trang Business Insider, ngoài đốt nhà máy sulfur, IS từng phóng hỏa các giếng dầu, lốp xe - tất cả đều nhằm che tầm nhìn, cản trở các cuộc không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu.
Hành động mới nhất của IS còn thâm độc hơn thế. Trung tâm Sức khỏe và An toàn nghề nghiệp Canada (CCOHS) cho biết khi bị đốt cháy, sulfur kết hợp với ôxy tạo thành khí dioxide sulfur cay, không màu rất độc hại, đôi khi còn gây chết người. “Chỉ cần tiếp xúc với chất khí này trong thời gian ngắn cũng có thể bị ảnh hưởng lâu dài về hô hấp” - CCOHS cảnh báo. Khi dioxide sulfur gặp nước, nó phân hủy để tạo thành axít sulfuric.
Dù đám cháy ở nhà máy sulfur đã được dập tắt nhưng lượng khói độc tỏa ra có thể gây ra những thiệt hại lâu dài đối với môi trường và người dân tại khu vực này. Liên Hiệp Quốc cho biết cơ quan y tế Iraq đã điều trị cho hơn 1.000 trường hợp bị ngộp thở tại một số địa phương ở phía Nam Mosul, hầu hết ở thị trấn Qayyarah, cách Mosul 30 km. Hình ảnh mới chụp từ vệ tinh cho thấy đám mây dioxide sulfur lan sang các quốc gia khác, trong đó có Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara đã ban bố lệnh báo động cao độ trước mối nguy từ đám mây khí độc nói trên. Phó Thủ tướng Veysi Kaynak cho biết nhà chức trách nước này nỗ lực hết mình để ngăn ngừa thảm họa xảy ra.
Bất chấp những chiêu trò trên, lực lượng đặc nhiệm Iraq hôm 31-10 đã tiến gần TP Mosul từ phía Đông sau khi chiếm được làng Bazwaya từ tay IS. Quân đội Iraq cho biết họ chỉ còn cách vùng ngoại ô phía Đông Mosul gần 5 km. Ngoài ra, theo Reuters, quân chính phủ đã chiếm được 5 ngôi làng ở phía Bắc Mosul, nơi lực lượng dân quân người Kurd cũng đang được triển khai.
Khí độc ở Syria
Tại Syria, khí độc cũng bị cáo buộc sử dụng trong trận chiến giữa phe nổi dậy và lực lượng chính phủ ở TP Aleppo. Theo Reuters, các tay súng thuộc lực lượng quân đội Syria tự do đối lập và các phần tử thánh chiến hôm 30-10 mở mặt trận mới ở Aleppo nhằm phá vỡ vòng vây của quân chính phủ với tham vọng kết nối phần phía Đông thành phố và các khu vực nông thôn với mạn Tây thành phố này.
Đáng lo hơn, truyền thông nhà nước Syria đưa tin phe nổi dậy đã bắn đạn có chứa khí chlorine vào khu dân cư al-Hamdaniya ở phần phía Tây do quân chính phủ kiểm soát. Một giám đốc bệnh viện ở Aleppo cho biết hơn 30 người, cả thường dân lẫn binh sĩ, đã bị ngộp thở trong vụ tấn công nhưng không ai tử vong. Phe nổi dậy đã phủ nhận cáo buộc này, đồng thời tố ngược các lực lượng chính phủ đã bắn khí độc tại một mặt trận khác.
Cuộc chiến tại Aleppo có nguy cơ thêm khốc liệt và đẫm máu nếu thông tin Nga tăng cường lực lượng ở Syria của truyền thông phương Tây được xác thực. Theo trang Independent (Anh), 3 tàu ngầm Nga được trang bị tên lửa đạn đạo được cho là đang di chuyển ở Địa Trung Hải - nhằm gia nhập lực lượng hải quân do tàu sân bay Admiral Kuznetsov dẫn đầu - hướng về phía Syria. NATO e ngại các tàu chiến này có thể được trang bị tên lửa đạn đạo Kalibr và có thể được sử dụng để hỗ trợ cho cuộc tấn công quy mô lớn vào TP Aleppo. Tuy nhiên, ông Andrei Kelin, quan chức Bộ Ngoại giao Nga, nhận định nỗi lo này của NATO là vô căn cứ.
Bình luận (0)