Thế giới đang chuẩn bị cho kịch bản dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) trở thành đại dịch trong lúc các nhà đầu tư bán tống bán tháo cổ phiếu do lo ngại nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái.
Giá cổ phiếu đang trên đường có một tuần tồi tệ nhất kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 trong bối cảnh Covid-19 làm gián đoạn hoạt động đi lại và các chuỗi cung ứng trên thế giới. Chuyên gia Norihiro Fujito của Công ty Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities (Nhật Bản) nhận định với Reuters rằng dịch Covid-19 hiện không khác gì một đại dịch; vấn đề là không ai biết nó sẽ kéo dài bao lâu và nghiêm trọng đến đâu.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s (Mỹ) dự báo một đại dịch sẽ khiến kinh tế thế giới nói chung và Mỹ nói riêng rơi vào suy thoái trong nửa đầu năm nay. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế của Công ty tư vấn Oxford Economics (Anh) gần đây ước tính dịch Covid-19 có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 1.100 tỉ USD do năng suất lao động sụt giảm, sản xuất đình trệ, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thương mại và đầu tư giảm, ngành du lịch bị trúng đòn…
Cũng theo Oxford Economics, kinh tế Mỹ và khu vực đồng euro sẽ bị suy thoái trong nửa đầu năm 2020. Theo trang Bloomberg, kịch bản này được mô tả là một "cú sốc ngắn nhưng mạnh mẽ đối với nền kinh tế thế giới".
Người mua sắm mang khẩu trang rời một cửa hàng ở TP Daegu - tâm điểm của dịch Covid-19 tại Hàn Quốc Ảnh: Reuters
Trước mắt, phát ngôn viên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Gerry Rice hôm 27-2 cho biết tổ chức này có thể giảm dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu do tác động của dịch Covid-19 đang lây lan nhanh. Ông Rice cho biết sẽ có nhiều thông tin hơn được công bố khi IMF chuẩn bị báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới vào tháng 4.
Trước đó, Tổng Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva vào cuối tuần rồi nhận định dịch Covid-19 có thể khiến tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2020 giảm khoảng 0,1 điểm % so với mức dự báo 3,3% đưa ra trước đó. Riêng kinh tế Trung Quốc, nơi khởi phát dịch bệnh, có thể chỉ tăng trưởng 5,6% trong năm nay, giảm 0,4 điểm % so với dự báo được đưa ra hồi tháng 1.
Cả IMF và WB sẽ sớm đưa ra quyết định về tác động của dịch Covid-19 tại các hội nghị dự kiến diễn ra vào tháng 4 tới. Theo ông Rice, hai tổ chức này sẵn sàng cung cấp các khoản hỗ trợ khẩn cấp ngay lập tức cho những nước cần để chống dịch Covid-19 dù họ hiện vẫn chưa nhận được đề nghị trợ giúp. Ngoài ra, ông Rice nhấn mạnh cả 2 thiết chế tài chính này đã chuẩn bị các kế hoạch ứng phó và có thể sử dụng nhiều công cụ tài chính để hỗ trợ những nước chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Tín hiệu vui và lo từ Trung Quốc
Trung Quốc đại lục hôm 28-2 thông báo thêm 327 ca nhiễm Covid-19, giảm từ 433 ca của một ngày trước đó và đây là số ca nhiễm trong một ngày thấp nhất mà nước này ghi nhận kể từ 23-1, theo Reuters.
Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy một số bệnh nhân đã phục hồi vẫn mang trong mình virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra dịch Covid-19. Theo Thời báo Hoàn cầu hôm 28-2, 2 bệnh nhân ở tỉnh Giang Tô cho kết quả xét nghiệm dương tính trở lại với virus dù trước đó đã được xuất viện. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân và giới chức không cho biết liệu họ có được xếp vào nhóm ca nhiễm mới hay không.
Kể từ khi bùng phát tại TP Vũ Hán - Trung Quốc vào cuối năm 2019, SARS-CoV-2 tính đến ngày 28-2 đã lây nhiễm hơn 83.700 người, cướp đi sinh mạng của gần 2.900 người trên toàn thế giới, chủ yếu tại Trung Quốc. Với 26 ca tử vong trong tổng số 245 ca nhiễm, Iran là một trong những quốc gia chịu tổn thất nặng nề nhất bên ngoài Trung Quốc. Theo đài RT, cựu đại sứ Iran tại Vatican Hadi Khosrowshahi đã qua đời hôm 27-2, trở thành nhân vật từng nắm chức vụ cao nhất thiệt mạng vì Covid-19, tính đến thời điểm hiện tại.
Trong khi đó, Nigeria, New Zealand, Lithuania và Belarus hôm 28-2 đồng loạt thông báo những ca nhiễm đầu tiên, làm gia tăng lo ngại về nguy cơ Covid-19 trở thành đại dịch.
C.Lực
Bình luận (0)