Số ca mới trong ngày được ghi nhận tính đến sáng 20-1 (giờ Berlin) là 133.536, mức cao nhất từ hồi có dịch. Điều đáng mừng là số bệnh nhân trở nặng không nhiều.
Dù vậy, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach lên tiếng cảnh báo về mối nguy hiểm từ biến thể Omicron, hiện là biến thể chủ đạo khi gây ra 73,3% số ca mắc mới.
Đức là quốc gia có dân số già với nhiều người mắc bệnh nền. Hiện vẫn còn khoảng 3 triệu người trên 60 tuổi chưa được tiêm chủng và nguy cơ trở nặng với nhóm này rất cao. Nếu không thắt chặt các biện pháp phòng dịch trong thời gian tới, số ca tử vong sẽ tăng, cũng như hệ thống y tế sẽ bị quá tải.
Một phố đi bộ vắng người ở Giessen - Đức trong thời gian dịch bùng phát Ảnh: Trần Thủy
Sau cuộc họp hôm 7-1, chính quyền 16 bang đã thông qua tăng cường các biện pháp hạn chế, trong đó có áp dụng quy tắc 2G+ (những người đã tiêm ngừa Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh vẫn cần có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính) trong lĩnh vực nhà hàng, ẩm thực.
Các câu lạc bộ, vũ trường sẽ đóng cửa cho đến khi có thông báo mới. Quốc hội liên bang cũng có những dự thảo quy định mới về việc cách ly.
Thời gian cách ly sẽ được rút ngắn từ 14 ngày còn 7 hoặc 5 ngày nhằm đối phó với biến thể Omicron đang lây lan chóng mặt. Các cơ sở y tế sẽ gặp khó nếu một lượng lớn nhân viên phải thực hiện cách ly kéo dài.
Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach cũng nhấn mạnh thêm về chiến dịch tiêm mũi tăng cường. Đây được coi là tấm khiên phòng vệ an toàn nhất trong việc chống lại biến thể Omicron. Chính phủ Đức đang lên kế hoạch vận hành một hệ thống có thể mua và cung cấp vắc-xin ở bất cứ thời điểm nào nếu dịch bệnh còn bùng phát.
Năm 2020, nền kinh tế Đức suy giảm 4,6% do những đợt phong tỏa và giãn cách xã hội. Đến năm ngoái, kinh tế nước này đã đạt mức tăng trưởng 2,7% bất chấp dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và áp lực từ chuỗi cung ứng gặp khó khăn.
Tuy nhiên, biến chủng Omicron đã giáng đòn mạnh vào kỳ vọng phục hồi kinh tế nhanh của Đức trong quý IV/2021. Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng kỷ lục những ngày gần đây, những biện pháp hạn chế mới đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng, làm lung lay niềm tin của nhiều doanh nghiệp, dẫn đến nguy cơ sự phục hồi kinh tế của Đức trong quý I/2022 sẽ bị chững lại.
Tuy nhiên, nền kinh tế được dự báo sẽ phục hồi từ từ và mạnh mẽ trở lại vào mùa hè này khi dịch Covid-19 suy giảm và không còn ảnh hưởng lớn. Ngân hàng Trung ương Đức dự báo kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm 2022.
Bình luận (0)