Thêm một nỗi lo khác, theo Reuters, là dịch Covid-19 đã làm nhen nhóm trở lại các cuộc tranh chấp thương mại toàn cầu. Hồi đầu năm nay, căng thẳng Mỹ - Trung đã được xoa dịu phần nào sau khi hai bên đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Trong khi đó, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản nhất trí về các quy tắc thương mại toàn cầu mới để hạn chế trợ cấp.
Dù vậy, sau khi dịch Covid-19 bùng phát, các nước trên thế giới đã áp đặt 222 lệnh hạn chế xuất khẩu trang thiết bị y tế, thuốc uống, kể cả lương thực - theo Tổ chức Global Trade Alert (Thụy Sĩ). Mặc dù những lệnh hạn chế này đang dần được dỡ bỏ, dịch Covid-19 cho thấy sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thuốc men và thực phẩm thiết yếu, cũng như đe dọa đến công ăn việc làm.
Thực phẩm đông lạnh làm từ tôm nhập khẩu bên trong một siêu thị ở thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc hôm 19-6 Ảnh: REUTERS
Cựu ủy viên thương mại EU Cecilia Malmstrom vào tuần rồi cảnh báo về sự xuất hiện một xu hướng đáng lo ngại liên quan đến chủ nghĩa bảo hộ trên toàn thế giới và sự tái xuất hiện của các xung đột thương mại. Chẳng hạn như Mỹ gần đây đã rút khỏi đàm phán với các nước châu Âu về kế hoạch đánh thuế lên các công ty số.
Washington cũng dọa đánh thuế lên một loạt sản phẩm của châu Âu để duy trì sức ép trong cuộc tranh cãi về trợ cấp sản xuất máy bay kéo dài 16 năm qua. Trong khi đó, Trung Quốc đang yêu cầu các nhà xuất khẩu thực phẩm sang nước này phải ký tờ khai cam kết sản phẩm của họ không bị nhiễm virus SARS-CoV-2.
Bình luận (0)