Quyết định của toà án Pháp cũng phơi bày ra nỗi nhục thầm kín mà một số người phụ nữ Hồi giáo phải gánh chịu khi họ vi phạm thủ tục lâu đời đòi họ phải trưng ra bằng chứng trinh tiết của mình trong đêm động phòng.
Trong phán quyết này, toà án đã cho rằng rằng người phụ nữ đã nói dối về việc mình vẫn còn là một thiếu nữ trinh trắng trong một cuộc hôn nhân đặc biệt đòi hỏi trinh tiết là điều kiện tiên quyết.
Tuy nhiên, trong khi xét xử vụ án như là một việc vi phạm hợp đồng thì phán quyết nói trên đã vấp phải sự lên án mạnh mẽ của những người chỉ trích. Những người này cho rằng phán quyết đó đã làm phương hại đến hàng thập kỷ tiến bộ về quyền phụ nữ ở đất nước này. Họ cho rằng hôn nhân đã bị hạ thấp xuống thành một vụ giao dịch thương mại, trong đó phụ nữ dễ dàng bị chồng vứt bỏ khi anh này tìm thấy những khuyết điểm che giấu của vợ mình.
Quyết định của toà "là một luật fatwa thực sự (fatwa là một sắc lệnh tôn giáo của đạo Hồi) chống lại sự giải phóng và tự do của phụ nữ. Chúng ta đang quay trở lại thời quá khứ," Bộ trưởng Các vấn đề thành thị Fadela Amara, con gái của những người nhập cư Hồi giáo đến từ Nam Phi, phát biểu.
Sự phẫn nộ bắt đầu bùng lên không kiểm soát được kể từ khi phán quyết ngày 1/4 trong phiên toà xử kín ở Lille được công khai hồi tuần trước trên tờ báo Liberation. Trong phán quyết này, toà án đã nói rằng cuộc hôn nhân năm 2006 đã bị chấm dứt trên cơ sở "một khiếm khuyết trong các phẩm chất cốt yếu" của cô dâu, "người đã tự nói rằng mình là một người phụ nữ chưa chồng, còn tiết hạnh."
Bộ trưởng Tư pháp Rachida Dati, người cũng có bố mẹ được sinh ra ở Bắc Phi, ban đầu đã bỏ qua, không để ý đến phán quyết này nhưng sự phản đối và tức giận của công chúng được đẩy lên cao đến mức bà buộc phải yêu cầu văn phòng công tố tuần này sẽ phải tiến hành một phiên phúc thẩm.
Vấn đề được xem là có tính riêng tư dường như đã trở thành "mối quan tâm của tất cả các công dân ở trong nước chúng ta, đặc biệt là những phụ nữ," một tuyên bố từ Bộ Tư pháp cho hay.
Tuy nhiên, rắc rối lại nằm ở chỗ cả người phụ nữ trẻ và người đàn ông là trung tâm của "vở kịch" trên lại phản đối việc kháng cáo, luật sư của họ cho biết. Tên của cô gái, một sinh viên đang ở độ tuổi 20, và người đàn ông, một kỹ sư đang ở độ tuổi 30, đã không được tiết lộ.
Luật sư của người phụ nữ trẻ, Charles-Edouard Mauger, cho biết cô này gần như phát điên lên khi vụ án đáng xấu hổ của cô bị lôi ra công luận. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên đài Châu Âu 1, luật sư trên đã trích lời thân chủ của mình cho hay: "Tôi không biết ai đang cố gắng nghĩ thay cho tôi. Tôi không đòi hỏi bất kỳ điều gì. ... Tôi không phải là người muốn sự quan tâm của giới truyền thông, tôi cũng không muốn mọi người nói về vấn đề của tôi và tôi cũng chẳng muốn việc này kéo dài quá lâu."
Vấn đề trên cũng đặc biệt gây đau đầu cho nước Pháp bởi vì chính phủ nước này đang phấn đấu duy trì các truyền thống tốt đẹp đã tồn tại từ bao lâu nay ở Pháp trong bối cảnh có sự thay đổi về nhân khẩu trong nước. Ước tính có 5 triệu người Hồi giáo sống trong đất nước có 64 triệu dân này. Như vậy, Pháp là nước có đông dân đạo Hồi nhất ở Tây Âu.
Nước Pháp năm 2004 đã thông qua một dự luật cấm trùm khăn theo kiểu đạo Hồi cũng như việc thể hiện tôn giáo của mình từ các lớp học, một động thái đã gây ra sự tức giận trong thế giới Hồi giáo.
Hiện các nhà chỉ trích cũng thừa nhận rằng một điều luật khác đang được sử dụng một cách hiệu quả để tha thứ cho tục lệ yêu cầu phụ nữ phải còn trinh khi lấy chồng và phải chứng minh điều đó bằng một giọt máu trên tấm ga trải giường trong đêm tân hôn.
Điều 180 trong Bộ luật dân sự nói rằng khi một cặp kết hôn với nhau, nếu một trong hai người thiếu "những phẩm chất cốt yếu" thì "người kia có thể tìm cách huỷ bỏ cuộc hôn nhân của mình." Những trường hợp trong quá khứ được quyền huỷ bỏ hôn nhân thường là người chồng bị bất lực hoặc người vợ bị phát hiện là một gái điếm, luật sư Xavier Labbee cho biết. Trớ trêu thay, Điều 180 cũng ngăn ngừa các cuộc hôn nhân cưỡng ép.
Labbee, luật sư của chú rể, cho rằng vấn đề không phải là ở trinh tiết của người phụ nữ. "Vấn đế không phải là trinh tiết. Vấn đề là ở sự lừa dối," Labbee nói với tờ AP như vậy.
"Trong phán quyết của toà, không hề có từ 'Hồi giáo', không hề có từ 'tôn giáo', không hề có từ 'tục lệ'.' Và nếu có ai đó nói về vấn đề trinh tiết thì nó đều đi kèm với từ 'lừa dối."
Labbee cho rằng cả người đàn ông và người phụ nữ "đều hiểu rằng việc huỷ bỏ cuộc hôn nhân thì có lợi cho họ hơn là ly dị bởi vì họ sẽ được giũ bỏ hoàn toàn với những điều mà họ muốn quên nhưng ly dị chẳng xoá đi được điều gì."
Mặc dù phụ nữ đạo Hồi giáo đã ly hôn được phép tái kết hôn nhưng họ sẽ phải kể với người chồng mới về cuộc hôn nhân trước đó và như vậy, ly dị có thể vẫn để lại vết nhơ cho những người phụ nữ.
Trên thực tế, phán quyết của toà đã nói rõ rằng, người phụ nữ "chấp thuận" huỷ bỏ cuộc hôn nhân "vì lý do đã nói dối về trinh tiết." "Một người có thể suy luận rằng vấn đề trinh tiết được người phụ nữ trên xem là một phẩm chất thiết yếu để người đàn ông quyết định cưới cô," phán quyết của toà cho hay.
Thủ tướng Pháp Francois Fillon cho rằng một phiên xử phúc thẩm phải được tiến hành để "phán quyết này không tạo ra một tiền lệ về mặt luật pháp." Đơn kháng cáo đã được đưa lên toà án cấp cao hôm 3/6 và sẽ có 3 thẩm phán xét xử lại vụ án này vào một thời điểm nào đó trong tháng này.
Trong một động thái bày tỏ sự đồng thuận hiếm hoi, các chính khách cánh tả và cánh hữu đều cho rằng hành động của toà án đã không phản ánh đúng những giá trị của nước Pháp.
Quyết định của toà án Pháp đã nhấn mạnh đến nỗi đau mà nhiều phụ nữ Hồi giáo ở Pháp cũng như những nơi khác ở phương Tây ngày nay vẫn đang phải chịu đựng. Họ được giải phóng về tình dục nhưng vẫn bị rằng buộc bởi những luật lệ hà khắc về danh dự từ phía gia đình và sau đó là từ những người chồng tương lai.
Vì thế, không phải là chuyện lạ hay bất thường khi nhiều phụ nữ Hồi giáo đã mua những bằng chứng nhận trinh tiết giả, sử dụng như trò gian dối để làm sao có giọt máu xuất hiện trong đêm tân hôn hoặc thậm chí là phải trải qua một cuộc phẫu thuật vá trinh đau đớn để làm hài lòng gia đình và có thể sẽ phải trốn tránh nỗi nhục sẽ theo họ suốt cuộc đời nếu bí mật của họ bị bại lộ.
Một cuộc điều tra không chính thức của tờ AP năm 2006 cho thấy rất nhiều bệnh viện tư nhân ở Paris cũng như các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật vá trinh hoặc cung cấp bằng chứng nhận trinh tiết giả cho các phụ nữ trước khi kết hôn.
"Ngày nay, hệ thống tư pháp của một đất nước hiện đại không thể dựa vào những truyền thống kém văn minh như thế được, hoàn toàn vô nhân đạo với những phụ nữ trẻ," mục sư của Nhà thờ Hồi giáo Paris, Dalil Boubakeur, khẳng định.
Bình luận (0)