Theo BBC, các nhà khoa học cấy tế bào gốc của người vào phôi heo để sản sinh ra phôi người-heo, còn được gọi là chimeras. Phôi này là một phần của nghiên cứu nhằm cứu vãn tình trang khan hiếm nội tạng người phục vụ cho việc cấy ghép cứu người hiện nay.
Nhóm nghiên cứu từ Đại học California đang thực hện nghiên cứu này cho biết những con heo được thí nghiệm sẽ có bề ngoài và hành vi giống như những con heo bình thường khác, trừ một điều là một bộ phận của chúng sẽ được cấy tế bào người.
Ảnh minh họa (BBC)
Các phôi heo-người sẽ được ghép vào heo nái 28 ngày trước khi đẻ. Sau đó, các mô phát triển sẽ được lấy ra để phân tích.
Chương trình Panorama của BBC đã được tiếp cận nghiên cứu có thể mang lại đột phá này. Họ cho biết quá trình tạo ra một phôi chimera người-heo trải qua 2 giai đoạn.
Đầu tiên, các nhà khoa học dùng kỹ thuật chọn lọc gene có tên là CRISPR để loại bỏ các ADN trong phôi heo mới được thụ tinh. Khoảng trống gene trong phôi heo lúc này sẽ nhường chỗ cho tế bào gốc của người cấy ghép vào. Các tế bào gốc này được lấy từ tế bào của người trưởng thành và có thể phát triển thành bất kì mô nào của con người.
Nhóm nghiên cứu hy vọng các tế bào gốc của con người sẽ tận dụng lợi thế của các khoảng trống gene trong phôi heo. Kết quả là bào thai của heo sẽ nuôi tụy của con người.
Ông Pablo Ross, người dẫn đầu nghiên cứu, cho hay: "Chúng tôi hy vọng phôi heo sẽ phát triển bình thường, phần tụy người phát triển có thể tương thích với các bệnh nhân cần tụy cấy ghép".
Tuy nhiên, công trình nghiên cứu này vẫn đang gây nhiều tranh cãi ở Mỹ. Năm ngoái, Viện Y tế quốc gia Mỹ đã phát lệnh cấm tài trợ các thí nghiệm như vậy. Lo ngại lớn nhất của vấn đề này là tế bào gốc của con người có thể di chuyển đến não của heo và bằng cách nào đó khiến chúng trở nên “giống con người hơn”.
Bình luận (0)