Mới một năm trước, Bắc Kinh và Brussels đứng bên bờ vực chiến tranh thương mại do tranh chấp trị giá hàng tỉ euro liên quan đến tấm pin mặt trời của Trung Quốc.
Nhưng giờ đây, phái đoàn được tháp tùng bởi hơn 200 lãnh đạo doanh nghiệp của ông Tập Cận Bình đi đến đâu là ký thỏa thuận đến đó. Ở Hà Lan là thỏa thuận về an ninh lương thực trị giá 1 triệu euro. Tại Pháp, các thỏa thuận về máy bay, ô tô, năng lượng hạt nhân… có tổng giá trị đến 18 tỉ euro.
Châu Âu hiện là đối tác thương mại số 1 của Trung Quốc. Ngược lại, đối với châu Âu, Trung Quốc cũng quan trọng thứ nhì, chỉ sau Mỹ. Giao thương giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc trong năm 2013 đạt gần 590 tỉ USD, tức khoảng 1,6 tỉ USD/ngày, theo số liệu mới nhất của Ủy ban châu Âu (EC).
Trong lúc các nhà đầu tư châu Âu muốn “đánh” vào tầng lớp trung lưu đang nở nồi ở Trung Quốc thì Bắc Kinh công bố một kế hoạch đầy tham vọng: Đầu tư 100 tỉ USD/năm ở các nước Đông Âu vào năm 2015.
Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều suôn sẻ. Trong bài phát biểu tại Brussels, ông Tập lặp lại mong muốn đạt được thỏa thuận thương mại tự do với EU song chính sách hỗ trợ các công ty quốc doanh để thâu tóm thị trường nước ngoài của Trung Quốc khiến nhiều nước châu Âu ngần ngại.
Ngoài Trung Quốc, một “tay chơi” khác cũng đang tìm lại chỗ đứng ở châu Âu. Đó là Mỹ và cuộc khủng hoảng tại Ukraine là nguyên nhân. Ngay sau khi Nga sáp nhập Crimea, Tổng thống Mỹ Barack Obama lập tức công du tới cựu lục địa. Nên nhớ, kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng, chưa bao giờ ông Obama tới Brussels.
Thời gian qua, Mỹ và EU đều phải tự vật lộn với những khó khăn kinh tế của mỗi bên nên ít nhiều lơ là nhau, khiến các đồng minh ở hai bờ Đại Tây Dương bị đẩy vào thế yếu trước một Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày càng quyết đoán.
Thêm vào đó, Washington từ lâu đã bất bình về việc nhiều nước châu Âu cắt giảm chi tiêu quân sự khiến Mỹ phải gánh phần nặng trong tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ngược lại, châu Âu không hài lòng khi Mỹ tỏ ra săn đón châu Á và đặc biệt là bê bối do thám từ phía Washington.
Chính vì vậy, tờ Financial Times (Anh) nhận định khủng hoảng Ukraine đã đưa các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu xích lại gần nhau, điều tưởng như xa vời cách đây vài tháng. Còn tờ The New York Times (Mỹ) cho rằng việc Mỹ tái chú trọng châu Âu là thay đổi quan trọng trong chính sách đối ngoại của Washington.
Giờ đây, Mỹ sẽ phải chi tiền bạc, dành thời gian và năng lực để khẳng định việc bảo vệ vành đai phía Đông của châu Âu là một ưu tiên. Dù vậy, theo nhà nghiên cứu Robert Pollard thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), có lẽ Washington đã quá chậm để nhận ra EU vẫn là đối tác mang tính sống còn!
Bình luận (0)