Theo báo cáo này, trẻ em ở Nam Á bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất - 12 triệu em đang sống tại những khu vực có không khí ô nhiễm gấp 6 lần mức an toàn. Trong khi đó, 4 triệu em khác sống ở Đông Á và Thái Bình Dương.
UNICEF cho rằng việc hít thở không khí ô nhiễm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mô não, sự phát triển nhận thức của trẻ, khả năng học hành, trí nhớ… Đáng chú ý là những ảnh hưởng này sẽ kéo dài suốt cuộc đời các em. Một nghiên cứu khác ở Anh cho thấy không khí ô nhiễm ở thủ đô London làm giảm cân nặng của trẻ sơ sinh, dẫn đến tỉ lệ tử vong cao ở trẻ sơ sinh và bệnh tật trong cuộc sống sau này của đứa trẻ.
Khoảng 8 triệu trẻ em ở Ấn Độ tiếp xúc với không khí ô nhiễm Ảnh: ANI
Theo đài BBC, báo cáo UNICEF nhận định với sự đô thị hóa không ngừng trên thế giới, số lượng trẻ có nguy cơ bị tổn hại não có thể gia tăng trong những năm tới nếu không có biện pháp bảo vệ cũng như giảm ô nhiễm. Tổ chức này khuyến cáo người dân sử dụng khẩu trang, hệ thống lọc không khí và không cho trẻ em ra ngoài vào những lúc không khí ô nhiễm nghiêm trọng.
Bà Yasmin Ali Haque, đại diện của UNICEF ở Ấn Độ, cho biết 10 thành phố tại quốc gia Nam Á này nằm trong số 20 thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới. Khoảng 8 triệu trẻ em ở nước này tiếp xúc với không khí độc hại và não của chúng có nguy cơ bị ảnh hưởng. Bà Haque cảnh báo thêm phụ nữ mang thai hít phải không khí độc hại cũng có thể tác động đến sự phát triển não bộ của đứa bé trong bụng.
Theo chuyên gia này, cuộc chiến chống ô nhiễm không chỉ đòi hỏi hành động từ chính phủ mà còn cả sự chung tay của các tổ chức, ngành công nghiệp và người dân.
Còn tại miền Bắc Trung Quốc, ô nhiễm không khí ước tính khiến tuổi thọ người dân giảm 3 năm và chính phủ nước này buộc phải ban hành những quy định nghiêm ngặt hơn về khí thải. Hình ảnh vệ tinh dùng để thu thập dữ liệu cũng phơi bày tình trạng ô nhiễm không khí ngày một nghiêm trọng tại các thành phố châu Phi.
Bình luận (0)