Tuyên bố mạnh mẽ như trên được đưa ra sau khi một tài xế say rượu lao xe vào 2 người đứng trên vỉa hè ở TP Busan hôm 25-9 khiến 1 người thiệt mạng.
Bộ trưởng Park Sang-ki cho biết nhà chức trách sẽ tịch thu xe của những người thường xuyên lái xe sau khi uống rượu và kiên quyết không khoan dung đối với những tài xế vi phạm. Mạnh tay hơn, Bộ Tư pháp Hàn Quốc quyết định điều tra, bắt giam đối với những người gây tai nạn gây chết người hoặc bị thương nặng, hoặc gây ra 3 vụ tai nạn trở lên trong vòng 3 năm.
Một tai nạn giao thông ở Hàn Quốc do lái xe trong tình trạng say rượu xảy ra hồi tháng 8-2018. Ảnh: JQK NEWS
Bộ Tư pháp Hàn Quốc cũng sẽ nâng án phạt đối với tài xế say rượu gây tai nạn chết người lên mức cao nhất, thay vì mức án 1 - 3 năm tù giam như hiện nay. Ngoài ra, nếu tài xế say rượu gây tai nạn trên 3 lần bất kể trong khoảng thời gian bao lâu cũng sẽ bị tuyên án tù giam.
Trong khi đó, ở Trung Quốc, tài xế bị phát hiện trong máu có nồng độ cồn từ 80mg/100ml khí thở trở lên sẽ bị cáo buộc lái xe trong tình trạng say rượu, bị tạm giữ 15 ngày, tước bằng lái xe và trong 5 năm không được cấp bằng trở lại. Tài xế say xỉn gây ra tai nạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị tước bằng lái xe suốt đời.
Ở Hồng Kông: Nếu tài xế bị phát hiện có nồng độ cồn vượt ngưỡng 0,22mg/lít khí thở trong lúc điều khiển ô tô, họ sẽ bị phạt tiền, thậm chí bị tù giam đến 3 năm. Ngoài ra, các tài xế vi phạm bắt buộc phải theo học một lớp cải thiện kiến thức lái xe.
Ở Nhật Bản: Nếu nồng độ cồn trong hơi thở tài xế vượt ngưỡng 0,15mg/1 lít khí thở (được đánh giá là thấp so với thế giới), mức phạt lên đến 3 năm tù giam hoặc phải nộp phạt số tiền lên tới 500.000 yên Nhật (tương đương hơn 102 triệu đồng). Cả những người để cho người uống rượu cầm lái cũng bị phạt 300.000 yên Nhật (khoảng 60 triệu đồng).
Cảnh sát Nga kiểm tra nồng độ cồn của tài xế. Ảnh: TASS
Ở Nga: Theo quy định có hiệu lực từ năm 2013, tài xế bị quy tội lái xe trong tình trạng say rượu khi có nồng độ cồn trong hơi thở từ 0,16 mg/lít trở lên.
Lần đầu vi phạm sẽ bị phạt 30.000 rúp (hơn 10 triệu đồng), đồng thời bị thu giữ bằng lái từ 1 năm rưỡi đến 2 năm. Tái phạm sẽ bị phạt 50.000 rúp (hơn 17 triệu đồng) và thu bằng lái 3 năm. Người giao xe cho người say xỉn điều khiển cũng bị phạt tương tự.
Ở Colombia: Tài xế điều khiển phương tiện trong tình trạng có nồng độ cồn từ 20 đến 39mg/1ml máu thì họ sẽ bị treo giấy phép lái xe trong 1 năm, phải nộp phạt tương đương 914 USD (hơn 21 triệu đồng) và 20 giờ làm công việc phục vụ cộng đồng.
Nếu nồng độ cồn vượt quá 150mg/100ml máu thì tài xế sẽ bị tịch thu bằng lái trong 10 năm, buộc phải nộp phạt tương đương 165 triệu đồng và lao động công ích 50 giờ. Nếu lái xe gây tai nạn, gây thương tích và tử vong trong tình trạng say xỉn, tài xế sẽ đối mặt với án tù từ 2 năm rưỡi đến 18 năm.
Mỹ: Ngoài pháp luật liên bang, mỗi tiểu bang lại có một cách trừng trị với loại vi phạm luật giao thông này. Tại California hay Florida, hình phạt sẽ tăng nặng với tài xế say xỉn nếu như trên xe có trẻ nhỏ.
Cảnh sát Mỹ dừng xe kiểm tra tài xế. Ảnh: INVERSE
New York, Texas hay Hawaii còn quy trách nhiệm liên đới đối với các cá nhân hoặc cửa hàng bán bia, rượu cho người nghiện rượu hoặc trẻ vị thành niên mà sau đó khách hàng của họ lái xe trong khi say và gây tử vong, thương tích cho bên thứ ba.
Tài xế từ chối việc xét nghiệm nồng độ cồn cũng được quy định là một yếu tố tăng nặng hình phạt ở các bang Arkansas, Kansas, Washington,...
Ở Singapore: Người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn trong máu từ 80mg/100ml trở lên sẽ bị phạt 5.000 SGD (83 triệu đồng) và ngồi tù 6 tháng. Nếu tái phạm, mức phạt sẽ tăng tới 1 triệu SGD (hơn 16 tỉ đồng) và 1 năm tù giam, bị cấm lái xe và bị đánh bằng roi. Hình phạt roi chỉ áp dụng đối với người vi phạm là nam giới dưới 50 tuổi.
Cảnh sát Singapore có thể kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế bất cứ khi nào. Ảnh: THE STRAITS TIMES
Ở Belarus: Người điều khiển phương tiện giao thông ở Belarus có nồng độ cồn 0,04 miligam/1 lít khí thở sẽ phải nộp phạt số tiền tương đương 70 - 400 USD (1,6 triệu đồng - 9 triệu đồng) và bị tịch thu bằng lái trong vòng 3 năm trong lần vi phạm đầu tiên. Nếu tái phạm, người đó có thể bị phạt tù.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ: Sau khi phát hiện người điều khiển phương tiện giao thông say rượu khi lái xe, cảnh sát sẽ đưa người đó ra khỏi đó khoảng hơn 3km và buộc anh ta đi bộ trở về vị trí cũ. Xe cảnh sát đi bên cạnh giám sát.
Phần Lan và Thụy Điển đều quy định tài xế lái xe sau khi uống rượu sẽ phải lao động khổ sai trong vòng 1 năm.
Bình luận (0)