Một trong hai vị cố vấn giấu tên nói thêm rằng, sắc lệnh trên thậm chí có thể được ban bố ngay trong ngày tuyên thệ nhậm chức của ông Obama (20/1).
Tuy nhiên, sau khi được ban hành, sắc lệnh sẽ khởi động một quá trình xác định xem nhà chức trách Mỹ sẽ phải làm gì với khoảng 250 nghi can khủng bố al-Qaeda và Taliban đang bị giam giữ tại Guantanamo.
Một lính gác Mỹ đang trông chừng một tù nhân ở khu vực thư giãn bên trong nhà tù quân sự ở Vịnh Guantanamo, Cuba. (Ảnh: AFP)
Phần lớn các tù nhân của Mỹ tại Guantanamo chưa bị kết tội kể từ khi bị bắt giam.
Theo hai cố vấn của nhóm chuyển giao quyền lực, sắc lệnh sắp ban hành của ông Obama sẽ chỉ thị cho chính quyền mới cân nhắc từng trường hợp tù nhân Guantanamo để xác định xem họ có thể được phóng thích hay không hoặc nên bị tiếp tục giam giữ ở đâu.
Rất nhiều tù nhân Guantanamo đã được minh oan để tự do trong khi những người khác có thể được chuyển về đất nước họ để giam giữ ở đó. Dẫu vậy, nhiều quốc gia đã cực lực phản đối những nỗ lực của chính quyền Bush về việc đưa tù nhân Guantanamo hồi hương.
Các cố vấn của ông Obama đều bày tỏ hy vọng rằng, những nước ban đầu từ chối đón nhận tù nhân Guantanamo sẽ sẵn sàng thay đổi quan điểm sau khi thương thảo với chính quyền mới ở Washington.
Theo họ, vấn đề gai góc nhất hiện nay đối với tổng thống đắc cử là quyết định xem sẽ làm gì với những người bị bắt giữ còn lại, kể cả ít nhất 15 tù nhân "có giá trị cao" nằm trong số bị đánh giá là nguy hiểm nhất tại nhà tù quân sự Mỹ ở Vịnh Guantanamo.
Những tù nhân bị giam giữ trên đất Mỹ có những quyền pháp lý nhất định mà họ không được hưởng khi bị cầm tù ở Guantanamo. Tuy nhiên, người ta hiện chưa rõ, dưới thời ông Obama, các tù nhân này sẽ bị xét xử thông qua hệ thống toà án quân sự hiện hành hay các toà án dân sự liên bang hoặc hệ thống toà án kết hợp cả hai.
Hai cố vấn giấu tên cho biết, chỉ thị đóng cửa nhà tù quân sự Mỹ ở Vịnh Guantanamo là một trong số hàng loạt sắc lệnh mà ông Obama dự định công bố không lâu sau khi tuyên thệ nhậm chức vào 20/1 tới. Trong số các văn bản quan trọng này dự kiến sẽ có một sắc lệnh về các biện pháp thẩm vấn tù nhân nhưng nội dung của nó vẫn chưa được hé lộ.
Brooke Anderson - phát ngôn viên cho nhóm chuyển giao quyền lực của ông Obama từ chối bình luận về các thông tin trên.
Trong khi đó, lãnh đạo Hiệp hội các quyền tự do công dân Mỹ đã lên tiếng ca ngợi sắc lệnh đóng cửa nhà tù Guantanamo là một bước đi quan trọng đầu tiên của tổng thống đắc cử, đồng thời đòi hỏi nhà chức trách phải công bố chi tiết việc cho trung tâm giam giữ này ngừng hoạt động vĩnh viễn.
Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử tổng thống, ông Obama đã nhiều lần cam kết sẽ đóng cửa nhà tù Guantanamo. Động thái này đã nhận được sự hoan nghênh của các chuyên gia luật pháp, các nhà hoạt động vì dân quyền và những người từng chỉ trích các vụ bắt bớ, giam cầm không xét xử nghi phạm khủng bố của chính phủ Mỹ là vi phạm luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn hôm 11/1, ông chủ mới của Nhà Trắng thừa nhận quá trình đóng cửa nhà tù Guantanamo sẽ khó khăn hơn và kéo dài hơn suy nghĩ ban đầu.
"Đó là một thách thức. Tôi cho rằng sẽ mất một khoảng thời gian và các nhóm pháp lý của chúng ta đang hành động với sự tham vấn của bộ máy an ninh quốc gia nhằm giúp xác định chính xác những gì chúng ta cần phải làm.
Dẫu vậy, tôi không muốn nhập nhằng về việc này. Chúng ta sẽ đóng cửa nhà tù Guantanamo và đảm bảo quá trình chúng ta lập ra sẽ tuân thủ hiến pháp", ông Obama nhấn mạnh trong chương trình "Tuần này" của kênh ABC.
Bình luận (0)