Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 8-12 nhấn mạnh: "Nếu các nước chờ đợi cho đến khi bệnh viện của họ bắt đầu bị lấp kín thì đã quá muộn. Đừng chờ đợi. Hãy hành động ngay lập tức". Ông Tedros kêu gọi chính phủ các nước thực hiện các biện pháp ngăn chặn biến chủng mới một cách nghiêm ngặt.
Tại Nam Phi, số ca nhiễm Omicron đang gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, theo ông Tedros, "Omicron được phát hiện khi mức độ lây truyền của Delta ở Nam Phi rất thấp. Do đó, biến thể này có rất ít sự cạnh tranh".
Ông cũng bác bỏ các báo cáo ban đầu cho rằng chủng Omicron dẫn đến một đợt dịch Covid-19 ở Nam Phi nhẹ hơn và nhận định còn quá sớm để nói chắc chắn điều này.
Chile là một trong 57 quốc gia ghi nhận có ca nhiễm biến thể Omicron. Ảnh: AP
Tại Đức, nước này ghi nhận 527 ca tử vong do Covid-19 trong 24 giờ qua. Đài CNN cho biết đây là con số cao nhất được ghi nhận kể từ ngày 18-2.
Cụ thể, Viện Robert Koch (RKI), cơ quan phụ trách kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Đức, ngày 8-12 cho biết nước này ghi nhận thêm 69.601 ca nhiễm mới và 527 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 6,3 triệu ca và hơn 104.600 ca tử vong.
Nhiều bệnh viện Đức phải vật lộn với số ca nhập viện tăng. Các bác sĩ cảnh báo những khu chăm sóc đặc biệt (ICU) có thể sớm vượt qua mức đỉnh điểm của mùa đông năm ngoái. Sự xuất hiện của biến chủng Omicron càng làm tăng thêm mối lo cho Đức.
Do đó, tuần trước, Đức áp hạn chế với người chưa tiêm ngừa và cấm họ tiếp cận hầu như mọi địa điểm, trừ các cơ sở kinh doanh thiết yếu như siêu thị và hiệu thuốc, trong bối cảnh ca nhiễm tăng mạnh gần đây. Lệnh cấm không áp dụng với người đã phục hồi sau khi mắc Covid-19.
Các lãnh đạo Đức ủng hộ kế hoạch thiết lập quy định tiêm chủng bắt buộc trong những tháng tới. Nếu được quốc hội thông qua, quy định có thể bắt đầu có hiệu lực sớm nhất vào tháng 2-2022.
Nhiều bệnh viện Đức phải vật lộn với số ca nhập viện tăng. Ảnh: DPA
Để ngăn chặn đà lây lan của biến thể Omicron trong dịp Giáng sinh và năm mới, Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 8-12 thông báo khởi động "kế hoạch B".
Theo đó, kể từ ngày 10-12, việc đeo khẩu trang sẽ trở thành quy định bắt buộc tại đa số các không gian kín trong nhà và các phương tiện công cộng. Từ đầu tuần sau người dân Anh cũng được khuyến cáo nên làm việc tại nhà "nếu có thể", trong khi việc triển khai áp dụng "hộ chiếu vắc-xin" sẽ có hiệu lực từ ngày 15-12 nếu được quốc hội nước này thông qua.
Thủ tướng Anh cũng công bố kế hoạch mở rộng chương trình tiêm tăng cường vắc-xin cho toàn bộ người trên 18 tuổi ở nước này.
Ông Boris Johnson cho biết các biện pháp hạn chế mới là cần thiết sau khi nước này ghi nhận 568 ca nhiễm biến thể Omicron. Tuy nhiên, nhiều nhà lập pháp tỏ ra không hài lòng với các hạn chế mới, lo ngại sẽ tác động tiêu cực sau khi nền kinh tế nước này sụt giảm 10% hồi năm ngoái.
Theo tờ South China Morning Post, người đứng đầu Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới, thông báo kế hoạch giảm ít nhất một nửa sản lượng vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca do không có đơn đặt hàng mới từ chính phủ.
Giám đốc điều hành Viện Huyết thanh Adar Poonawalla cho biết việc chính phủ Ấn Độ không đặt bất kỳ đơn hàng mới nào là lý do khiến ông có kế hoạch cắt giảm sản lượng. Thêm nữa, các đơn đặt hàng từ Sáng kiến cung cấp vắc-xin Covid-19 của Liên Hiệp Quốc đến rất chậm.
Bình luận (0)