Trong thư gửi ông Biden ngày 23-11, Giám đốc GSA Emily Murphy viết bà không bị Nhà Trắng gây áp lực nhằm trì hoãn chuyển giao quyền lực mà dựa vào pháp luật và tình hình thực tế để ra quyết định.
Đây được xem là bước đầu tiên cho thấy chính quyền Mỹ đã công nhận thất bại của Tổng thống Trump. Điều này cũng đồng nghĩa đội ngũ của ông Biden hiện sẽ có các quỹ liên bang và một văn phòng chính thức để bắt đầu tiến trình chuyển giao quyền lực trong 2 tháng tới.
Tổng thống Trump thông qua Twitter khẳng định GSA cần làm "những gì phải làm liên quan đến những nghi thức ban đầu và tôi cũng đã chỉ đạo nhóm của tôi làm như thế".
"Tôi muốn cảm ơn Giám đốc GSA Emily Murphy vì sự tận tụy và trung thành với đất nước. Bà ấy đã bị quấy rối, đe dọa và lạm dụng, tôi không muốn thấy điều này xảy ra với bà ấy và gia đình, cũng như các nhân viên GSA. Các vụ kiện sẽ tiếp tục một cách mạnh mẽ, tôi tin rằng chúng ta sẽ chiến thắng" - Trump viết trên Twitter.
Ông Joe Biden được truyền thông Mỹ dự đoán đắc cử. Ảnh: Reuters
Trước đó, đội ngũ của Tổng thống Donald Trump hôm 23-11 tuyên bố sẽ tiếp tục chiến lược pháp lý để thách thức kết quả bầu cử 2020, sau khi giới chức Michigan xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden tại bang này.
"Việc giới chức bang xác nhận kết quả bầu cử chỉ là một bước đi mang tính thủ tục. Chúng tôi sẽ tiếp tục chống lại gian lận bầu cử trên toàn quốc, tiếp tục cuộc chiến yêu cầu đếm mọi lá phiếu hợp lệ. Người Mỹ cần được đảm bảo về một kết quả cuối cùng công bằng và hợp pháp" – bà Jenna Ellis, cố vấn pháp lý chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, khẳng định.
Tổng thống Trump đến giờ vẫn chưa công nhận chiến thắng của ông Biden và thường xuyên khẳng định cuộc bầu cử năm nay bị gian lận quy mô lớn nhưng không trưng ra được bằng chứng thuyết phục.
Với việc Michigan xác nhận kết quả bầu cử, hy vọng thách thức kết quả bầu cử của Tổng thống Trump càng trở nên phai nhạt.
Tổng thống Donald Trump thông báo ông đã cho phép người đứng đầu GSA tiến hành quá trình chuyển giao quyền lực cho ông Biden. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, ông Biden – người từng tuyên bố sẽ xóa bỏ chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump, hôm 23-11 bổ nhiệm ông Antony Blinken vào vị trí ngoại trưởng. Ông Biden còn bổ nhiệm ông Jake Sullivan làm cố vấn an ninh quốc gia và bà Linda Thomas-Greenfield làm đại sứ Liên Hiệp Quốc. Cả 2 đều là những nhân vật dày dặn kinh nghiệm chính trường, theo Reuters.
Cựu Thượng nghị sĩ John Kerry được bổ nhiệm làm đặc phái viên chống biến đổi khí hậu. Theo 2 nguồn tin mật, ông Biden nhiều khả năng bổ nhiệm cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Janet Yellen làm bộ trưởng tài chính mới.
Cùng với ông Sullivan, cố vấn chính sách cấp cao cho chiến dịch tranh cử tổng thống 2016 của bà Hillary Clinton, ông Blinken hỗ trợ ông Biden xây dựng chiến lược để tiếp cận nhanh chóng những đồng minh từng bị phớt lờ bởi chính quyền Tổng thống Trump, cũng như để thể hiện sự sẵn sàng hợp tác trong những vấn đề toàn cầu quan trọng như Covid-19.
Triển vọng về một sự đảo ngược chính sách ngoại giao của Mỹ đã được nhiều đồng minh hoan nghênh, đặc biệt là những quốc gia tại châu Âu – nơi không hài lòng với hướng tiếp cận của chính quyền Tổng thống Trump về thương mại, các mối quan hệ với Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong cuộc điện đàm hôm 23-11, người đứng đầu NATO và một quan chức cấp hàng đầu của khối Liên minh châu Âu (EU) đã mời ông Biden tái thiết các mối quan hệ xuyên đại tây dương và gặp gỡ các đồng minh châu Âu của Washington vào năm sau.
Bình luận (0)