Trước California, 15 bang và quận Columbia của Mỹ cũng thực hiện động thái tương tự. Hãng tin AP dẫn lời ông Becerra cho biết California đứng đơn riêng bởi 1/4 trong tổng số 800.000 người trong diện điều chỉnh của Chương trình Quyết định hoãn dành cho trẻ em vào Mỹ (DACA) sống ở bang này.
Vì vậy, bang này sẽ chịu thiệt hại không nhỏ nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy bỏ chương trình bảo hộ nhập cư nói trên.
"Chấm dứt DACA có thể gây hại cho những người đang được chương trình bảo vệ cũng như ảnh hưởng tới nền kinh tế và hệ thống giáo dục đại học của bang California" – ông Becerra nói và cho biết thêm: "California sẽ kiện chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc chấm dứt DACA bởi một lý do đơn giản: Bang của chúng tôi trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới nhờ vào hơn 200.000 người được DACA bảo vệ. Và kế sinh nhai của họ đang bị đe dọa vì quyết định sai lầm của Tổng thống Donald Trump".
Tổng chưởng lý bang California Xavier Becerra. Ảnh: AP
Quan chức này cũng khẳng định sẽ nộp đơn kiện sớm, đồng thời nhấn mạnh vụ kiện độc lập của bang California sẽ phản ánh những lập luận về pháp lý được 15 bang và quận Columbia đưa ra trước đó.
Tổng chưởng lý bang California tiết lộ ông đã bàn bạc với một số đồng nghiệp từ cách đây nhiều tháng, dự trù phương án đối phó nếu DACA bị chấm dứt. Các căn cứ pháp lý trong vụ kiện của bang California cũng sẽ tương tự vụ kiện của 15 bang còn lại.
Vụ kiện này được 15 bang và quận Columbia tiến hành ở TP New York, do Tổng chưởng lý bang Washington Bob Ferguson công bố đầu tiên. Đứng nguyên đơn bao gồm các bang New York, Massachusetts, Washington, Connecticut, Delaware, Hawaii, Illinois, Iowa, New Mexico, Bắc Carolina, Oregon, Pennsylvania, Rhode Island, Vermont, Virginia và quận Columbia.
Hôm 5-9, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions cho biết DACA sẽ chấm dứt trong vòng 6 tháng để quốc hội có thời gian tìm giải pháp cho người nhập cư.
Được thông qua theo sắc lệnh hành chính năm 2012 của cựu Tổng thống Obama, DACA cho phép những người nhập cư dưới 31 tuổi, đến Mỹ từ khi còn là một đứa trẻ có thể nộp đơn xin hoãn trục xuất, có nghĩa chính phủ sẽ không trục xuất họ trong 2 năm và cho họ cơ hội làm việc hợp pháp ở Mỹ.
Bình luận (0)