"Iran vừa mới thử nghiệm một quả tên lửa đạn đạo có khả năng bay tới Israel. Họ cũng đang hợp tác với Triều Tiên. Đây không phải là thỏa thuận mà chúng ta có!" – Tổng thống Donald Trump tuyên bố.
Các chuyên gia chống phổ biến hạt nhân từ lâu đã nghi ngờ Triều Tiên và Iran chia sẻ công nghệ tên lửa.
Đầu tháng này, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ Mike Pompeo khẳng định với Fox News rằng Iran chắc chắn sẽ "là quốc gia sẵn sàng mua" công nghệ tên lửa.
Ông Mike Pompeo. Ảnh: Reuters
"Triều Tiên có một lịch sử phổ biến hạt nhân và chia sẻ kiến thức, công nghệ và năng lực của họ khắp nơi trên thế giới. Trong bối cảnh Triều Tiên tiếp tục cải thiện năng lực tên lửa tầm xa và gắn đầu đạn hạt nhân vào những tên lửa này, họ sẽ chia sẻ nó với nhiều quốc gia khác nếu hoàn thiện được công nghệ này" – ông Pompeo nhận định.
Tổng thống Donald Trump chia sẻ dòng trạng thái nêu trên chỉ vài giờ sau khi Iran tuyên bố đã thử nghiệm một loại tên lửa đạn đạo mới có khả năng tấn công nhiều khu vực Trung Đông, bao gồm Israel.
Tên lửa này, được gọi là Khoramshahr, có tầm bắn 2.000 km và được sản xuất dựa theo một cấu tạo tên lửa của Triều Tiên. Trước đó, vào cuối tháng 1 rồi, Iran tiến hành một vụ thử nghiệm tương tự và tên lửa nổ tung ở độ cao 965 km.
Tên lửa Khoramshahr của Iran. Ảnh: EPA
Vụ thử nghiệm mới đây được xem là một lời thách thức đến Tổng thống Donald Trump, người nhiều lần tuyên bố sẽ hành động cứng rắn với Iran hơn người tiền nhiệm Barack Obama.
Tổng thống Donald Trump từng nhiều lần đe dọa thương lượng lại hoặc thậm chí là rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
Hôm 20-9, ông Donald Trump khẳng định đã ra quyết định mới về thỏa thuận hạt nhân Iran nhưng không tiết lộ cụ thể.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani vào tuần này tuyên bố Tehran sẽ tăng cường sức mạnh tên lửa mà không cần xem phép bất cứ quốc gia nào, vài ngày sau khi ông Donald Trump cáo buộc Iran gây bất ổn ở Yenmen, Syria và nhiều khu vực khác ở Trung Đông.
Ông Hassan Rouhani. Ảnh: Reuters
Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và một số cường quốc không nghiêm cấm Tehran phát trển tên lưa. Tuy nhiên, sau khi thỏa thuận này có hiệu lực vào năm ngoái, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết kêu gọi Iran không thực hiện các hành động liên quan đến tên lửa đạn đạo "được thiết kế để mang theo vũ khí hạt nhân" trong 8 năm.
Giới chức Iran lập luận rằng biện pháp này chỉ áp dụng đối với các tên lửa được thiết kế đặc biệt nhằm mang theo đầu đạn hạt nhân.
Bình luận (0)