"Chúng ta nên đuổi đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi đất nước, xác định những người nào liên quan tới hành động đánh người bất hợp pháp và truy tố họ" – ông McCain kêu gọi.
Vị này cũng gửi một lá thư cho tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ , trong đó kêu gọi ông Erdogan để nhân viên mình chịu trách nhiệm vụ việc. "Hành động của nhân viên ông đã vi phạm các quyền của nước Mỹ và thể hiện không tốt về chính phủ của ông" - lá thư viết.
Ngoài ông McCain, nhiều thành viên của cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa trong quốc hội cũng giận dữ. Thượng nghị sĩ Dân chủ Claire McCaskill viết trên Twitter: "Tôi đồng ý với Thượng nghị sĩ John McCain. Không thể chấp nhận. Họ hành hung người trên đất Mỹ. Nên đá đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi nước ta".
Cả Bộ Ngoại giao Mỹ và cơ quan thực thi pháp luật Washington đều khẳng định lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ - bao gồm vệ sĩ của Tổng thống Erdogan – đã tham gia vụ ẩu đả bên ngoài nơi cư trú của Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ Serdar Kılıç.
Ẩu đả diễn ra ngay sau cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tại Nhà Trắng hôm 16-5 (giờ địa phương), làm ít nhất 11 người bị thương, trong đó 9 người phải nhập viện.
Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ ẩu đả hôm 17-5. Ảnh: ABC NEWS
Một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ những người tham gia vụ tấn công dường như đến từ đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ cùng nhóm vệ sĩ của ông Erdogan.
"Bạo lực không phải phản ứng thích hợp đối với tự do ngôn luận. Chúng tôi ủng hộ quyền tự do ngôn luận và phản kháng một cách ôn hòa" – tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng những người biểu tình "có liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd (PKK)" vốn bị Ankara liệt vào danh sách khủng bố. Cơ quan này cáo buộc người biểu tình gây hấn với công dân Thổ Nhĩ Kỳ khi họ chào đón sự xuất hiện của Tổng thống Erdogan.
"Đó chỉ là hành động tự vệ. Chúng tôi hy vọng trong tương lai sẽ có biện pháp hạn chế các hành động khiêu khích dẫn đến thiệt hại và bạo lực tương tự" – Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
Sau vụ việc, cảnh sát Washington bắt giữ 2 người là thành viên của phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ nhưng phải lập tức thả người vì họ được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao.
Dù vậy, Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi kiến nghị tới phía Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời triệu tập đại sứ Kılıç vào ngày 17-5 để làm rõ vụ việc. Tiếp đại sứ Kılıç là quyền Thứ trưởng Ngoại giao Tom Shannon.
Nhà Trắng chưa bình luận về vụ việc.
Ẩu đả giữa an ninh Thổ Nhĩ Kỳ và người biểu tình tại Washington hôm 16-5. Nguồn: YouTube
Bình luận (0)