Trả lời câu hỏi của báo giới về bình luận gần đây của Tổng thống Tunisia Moncef Marzouki cho rằng Nga có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria bằng việc cho Tổng thống Assad tị nạn, ông Putin khẳng định: "Vấn đề này chưa được thảo luận".
Ông Putin cũng tuyên bố Nga sẽ không thay đổi lập trường về khủng hoảng Syria hay chương trình hạt nhân của Iran. Từ trước đến nay, Nga luôn bảo vệ Tổng thống Assad trước các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, đồng thời cáo buộc phương Tây kích động xung đột bằng cách hậu thuẫn cho phe nổi dậy ở Syria.
Ông Putin khẳng định Nga chưa bàn đến chuyện cho ông Assad tị nạn. Ảnh: AP
Trung Quốc rút lao động về nước
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh ngày 7-3 cho biết nước này đang rút người lao động Trung Quốc làm việc tại Syria về nước, chỉ để lại khoảng 100 người canh gác nơi làm việc và trang thiết bị.
Động thái này nhằm tránh tái diễn cuộc giải cứu công dân Trung Quốc khỏi Libya kéo dài 11 tiếng vào năm 2011. |
Ngày 12-3 tới, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov sẽ bay đến New York – Mỹ để tham gia cuộc họp của Hội đồng Bảo an về Syria và các vấn đề Trung Đông khác. Moscow khẳng định sẽ phủ quyết bất cứ nghị quyết nào của Liên Hiệp Quốc nếu nó lót đường cho một “kịch bản Libya” ở Syria.
Cùng ngày 7-3, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitaly Churkin cáo buộc chính phủ Libya hỗ trợ một trại huấn luyện cho những kẻ nổi loạn ở Syria.
Phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an bàn về Libya, ông Churkin cho biết: "Chúng tôi đã nhận được thông tin rằng Libya có một trại huấn luyện đặc biệt cho lực lượng nổi dậy Syria. Sau khi được huấn luyện, những người này quay về Syria để tấn công chính quyền hợp pháp. Điều này là không thể chấp nhận trên mọi tiêu chuẩn pháp lý và đang hủy hoại sự ổn định tại Trung Đông".
Ông Churkin nói thêm: "Chúng tôi cho rằng Al-Qaeda hiện diện ở Syria. Và câu hỏi hiện nay là: phải chăng việc xuất khẩu phong trào cách mạng đang biến thành xuất khẩu chủ nghĩa khủng bố?".
Trong diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta ngày 7-3 cho biết Mỹ đang xem xét cung cấp viện trợ không sát thương cho lực lượng đối lập Syria, ám chỉ về viện trợ trực tiếp đầu tiên của Washington.
Ông Panetta cho biết ở thời điểm hiện tại, Mỹ đang tập trung sử dụng các biện pháp kinh tế, chính trị và ngoại giao để cô lập chế độ của Tổng thống Assad. Theo ông Panetta, ở Syria hiện có gần 100 nhóm vũ trang đối lập nên rất khó để biết nên tiếp xúc với ai.
Bình luận (0)