Báo The Straits Times nhận định không có “tuần trăng mật” cho tân tổng thống Mỹ. Phong cách làm việc phi chính thống của ông không chỉ gây xáo trộn Washington mà còn làm các đối tác thương mại, đồng minh cảm thấy bất an. Trong lúc phe ủng hộ phấn khích thì người phản đối lại càng thêm “sôi máu” khi chứng kiến ông Trump ra tay hạn chế người nhập cư, liên tục công kích giới truyền thông và chỉ trích cộng đồng tình báo vì rò rỉ thông tin.
Ông Trump hiện vẫn áp dụng chiến lược như khi tranh cử, tức phớt lờ truyền thông và đưa thông điệp trực tiếp đến người ủng hộ. Bản thân ông Trump không hề che giấu điều này khi nói với các phóng viên vào cuối tuần rồi: “Cuộc đời là một chiến dịch vận động. Làm cho đất nước chúng ta vĩ đại trở lại là một chiến dịch vận động”.
GS Inderjeet Parmar, Trường ĐH London (Anh), nhận định phần lớn những gì ông Trump làm cho đến giờ chỉ nhằm gây ra sự mơ hồ, chệch hướng và sao nhãng. Đằng sau những lùm xùm về Nga, lệnh cấm người Hồi giáo và xây bức tường tại biên giới với Mexico, đang có những điều lớn hơn nhiều diễn ra, như việc bãi bỏ những quy định về môi trường và ngân hàng lớn ban hành thời người tiền nhiệm Barack Obama.
Một điểm trừ khác là bộ máy nhân sự vẫn chưa hoàn thiện của ông Trump. Sự trì hoãn của phe Dân chủ khiến ông chưa có một nội các đầy đủ thành viên. Đó là chưa kể những diễn biến bất lợi như sự rút lui của ứng viên cho chức vụ Bộ trưởng Lao động hoặc sự ra đi của cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn vì những lý do khác nhau.
Một điểm sáng hiếm hoi là Tổng thống Trump đã có cuộc hội đàm thành công với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và cuộc điện đàm thân mật với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. “Sự kiện ông chấp nhận chính sách “Một Trung Quốc” đã ngăn chặn được cuộc khủng hoảng lớn trong mối quan hệ Mỹ - Trung. Nó mang lại cơ hội khởi động cuộc đối thoại về các vấn đề khác giữa 2 nước” - bà Bonnie Glaser, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), đánh giá.
Tổng thống Trump thành công hay thất bại sau 30 ngày? Đây là đề tài gây tranh cãi sôi nổi trong dư luận nước Mỹ. Báo The Washington Post ngày 19-2 viết rằng những người ủng hộ Tổng thống Trump nhìn thấy một vị tổng thống thành công và họ cảm thấy thất vọng khi những người chỉ trích không nhận ra điều đó.
Trong khi đó, nhà phân tích chính trị Tony May dự đoán trên trang Penn Live rằng Tổng thống Trump có lẽ sẽ từ chức chỉ sau 200 ngày. Đó là bởi ông là nhà kinh doanh, lúc nào cũng nghĩ đến chuyện làm ăn và ông không còn trẻ nữa.
Kết quả cuộc thăm dò mới nhất của Công ty Tư vấn Gallup (Mỹ) cho thấy dư luận Mỹ không đánh giá cao “màn trình diễn” của ông Trump trong tháng đầu tiên nắm quyền. Tỉ lệ ủng hộ ông Trump chỉ đạt mức 40%, thấp hơn so với mức bình quân 61% của các vị tổng thống Mỹ. Để so sánh, tỉ lệ này của ông Obama là 64% và ông George W. Bush là 62%.
Bình luận (0)