Các quan chức Mỹ và chuyên gia khẳng định hình ảnh vệ tinh cho thấy các thao tác chuẩn bị đang được tiến hành tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri.
Trong khi đó, truyền thông Hàn Quốc cảnh báo chính phủ của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un có thể tận dụng ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, ngày 15-4, để thử vũ khí. Tuy nhiên, đây có thể là một đợt phóng thử tên lửa đạn đạo khác hoặc một hoạt động ít khiêu khích hơn.
Lầu Năm Góc đã điều tàu sân bay USS Carl Vinson đến bán đảo Triều Tiên để thể hiện sức mạnh và tiết lộ Mỹ có thể triển khai cả tàu ngầm nếu cần thiết. "Chúng tôi có những chiếc tàu ngầm rất mạnh, mạnh hơn cả tàu sân bay" - ông Trump nói trên kênh Fox News hôm 12-4.
"Yếu tố khó đoán nhất lúc này ông Trump, không phải Triều Tiên. Triều Tiên vẫn làm những thứ mà họ luôn làm" - cựu chuyên gia Sue Mi Terry của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nói.
Tàu sân bay USS Carl Vinson. Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ tổng thống Mỹ sẽ phản ứng như thế nào nếu Triều Tiên thật sự thử nghiệm hạt nhân.
Bế tắc quân sự
Một lựa chọn khá phù hợp với đường lối hiện nay của ông Trump sẽ là đưa vũ khí hạt nhân trở lại Hàn Quốc. Cựu Tổng thống George H.W. Bush từng giải trừ vũ khí hạt nhân ở Hàn Quốc vào năm 1991 và từ đó đến nay, Mỹ luôn duy trì chính sách "phi hạt nhân hóa" bán đảo Triều Tiên.
Theo Đạo luật Quyền Chiến Tranh năm 1973, tổng thống Mỹ có thể ra lệnh cho quân đội chiến đấu mà không cần sự chấp thuận của quốc hội nhưng chỉ trong một thời gian giới hạn và chỉ dùng để đáp trả một cuộc tấn công nhắm vào Mỹ hoặc quân đội.
Nếu Mỹ mở cuộc tấn công lớn nhắm vào Triều Tiên, họ có thể phóng tên lửa hành trình từ tàu chiến, sử dụng tàu ngầm và máy bay chiến đấu tấn công các cơ sở phòng không, bệ phóng tên lửa, căn cứ tàu ngầm cùng nhiều mục tiêu khác của Triều Tiên. Các lực lượng Hàn Quốc, Nhật Bản cùng hàng chục chiến đấu cơ, máy bay ném bom hạng nặng của Mỹ trên đảo Guam cũng có thể nhập cuộc.
Các chuyên gia quân sự không nghi ngờ khả năng chiến thắng của liên quân Mỹ - Hàn song trước khi thua trận, Triều Tiên vẫn có thể kịp trừng phạt các đồng minh của Mỹ ở châu Á - đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tuy các chuyên gia phân tích của Mỹ không tin rằng Bình Nhưỡng có thể tấn công vào lãnh thổ nước này nhưng hàng chục ngàn binh sĩ ( 28.000 ở Hàn Quốc và 50.000 ở Nhật) cùng hàng ngàn sinh viên, doanh nhân, khách du lịch Mỹ tại Hàn Quốc, Nhật Bản đều nằm trong tầm với của Triều Tiên.
Tổng thống Donald Trump sẽ dùng cách gì đối phó Triều Tiên? Ảnh: World Tribune
Một lựa chọn khác hẹp hơn được đưa ra đó là chỉ tấn công bãi thử Punggye-ri và những địa điểm hạt nhân khác của Triều Tiên. Phần lớn các cơ quan này được cho là ở sâu dưới lòng đất. Tuy nhiên, cách này có nguy cơ làm rò rỉ chất phóng xạ.
Trong cuộc khủng hoảng hạt nhân đầu tiên với Triều Tiên vào năm 1994, chính quyền khi đó của Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng tính chuyện ném bom lò phản ứng hạt nhân nhỏ của đối phương tại Yongbyon. Kế hoạch này sau đó phá sản khi các mô hình máy tính đưa ra hậu quả khổng lồ: Khoảng 1 triệu người có thể bị giết khi Triều Tiên đáp trả.
Tấn công mạng nhắm vào các cơ sở chỉ huy và điều khiển quân sự cũng là một cách khả thi nhưng phần lớn Triều Tiên lại không dùng Internet. Trước đây, có thông tin chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng tiến hành các cuộc tấn công mạng vào chương trình tên lửa của Triều Tiên nhưng hiệu quả tới đâu không mấy ai biết rõ.
Trong khi đó, các lựa chọn nghiêng về ngoại giao cũng có vấn đề. Bình Nhưỡng đã phớt lờ hoặc thách thức rất nhiều nghị quyết kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa mà Liên Hiệp Quốc đưa ra.
"Ông Trump phải đảm bảo mình có hành động khác biệt so với ông Obama khi phản ứng lại một vụ thử hạt nhân. Họ không thể chỉ hành động cho có lệ tại Hội đồng Bảo an mà phải đảm bảo không theo đuổi một phản ứng đơn phương có nguy cơ phản tác dụng hoặc thất bại" - ông Scott Snyder, thành viên của tổ chức Hội đồng Đối ngoại, nhận định.
Một số hình ảnh duyệt binh Triều Tiên sáng 15-4. Ảnh: Reuters
Tên lửa phóng từ tàu ngầm 'Pukkuksong'. Ảnh: REUTERS
Bình luận (0)