Cách đây không quá lâu, người châu Âu tin rằng bất chấp những phát biểu khó nghe của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Washington sẽ không bao giờ gây nguy hiểm cho các đồng minh thời chiến tranh lạnh. Giới chức Mỹ nói với các quan chức châu Âu rằng đừng đọc các dòng tweet (thông điệp trên Twitter) của ông Trump mà hãy theo dõi những hành động của ông.
Rốt cuộc, chính những dòng tweet mới đóng vai trò quan trọng. Trong vòng vài giờ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Brussels hôm 11-7, Tổng thống Trump đã chỉ trích Đức, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Rõ ràng là ông chủ Nhà Trắng đã phớt lờ lời kêu gọi Mỹ trân trọng đồng minh của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk.
Đối với ông Trump, các liên minh của Mỹ tượng trưng cho mọi sai lầm trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1990, ông nói rằng Mỹ "bảo vệ các quốc gia giàu có chẳng để làm gì cả - các quốc gia này sẽ bị xóa khỏi mặt đất trong khoảng 15 phút nếu không ủng hộ chúng tôi". Quan điểm của ông dường như không thay đổi kể từ đó. Giờ đây, người châu Âu buộc phải công nhận rằng thế giới của ông Trump không có đồng minh.
Phản ứng của châu Âu đối với thực tại này cho thấy họ quá sốc đến mức không nhận ra vấn đề. Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO nói trên, các nhà lãnh đạo đã nhắc lại những phát biểu về mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương như thể chẳng có chuyện gì thay đổi sau khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đón Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở thủ đô Brussels - Bỉ hôm 11-7 Ảnh: REUTERS
Đây là lý do các nhà lãnh đạo châu Âu bị bất ngờ trước ông Trump: Một ứng viên chính thống có thể hứa hẹn đủ thứ khi vận động tranh cử, như xây tường trên biên giới, chuyển Đại sứ quán Mỹ ở Israel đến Jerusalem và trừng phạt chính phủ Trung Quốc vì các chính sách kinh tế của nước này... Dù vậy, họ sẽ không bao giờ hiện thực hóa chúng sau khi nắm quyền.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có lẽ đã có tư duy như thế về ông Trump. Họ đọc những dòng tweet của ông và chờ đợi ông xuất hiện tại hội nghị nhóm G7, đoan chắc rằng ông ấy sẽ không bao giờ theo đến cùng những đề xuất của mình. Thế nhưng, ông ấy làm như đã hứa. Không chỉ một lần.
Giống như các nhà lãnh đạo dân túy khác ngày nay, ông Trump biết rằng vị thế của mình với cử tri phụ thuộc vào việc thực hiện tốt những lời hứa táo bạo nhất. Để thành công, các nhà lãnh đạo dân túy không cần giải quyết vấn đề cũng như làm giỏi hơn người tiền nhiệm. Họ chỉ cần thực hiện những điều chính khách chính thống không bao giờ làm, như sỉ nhục nước Đức.
Điều làm cho người châu Âu đặc biệt dễ bị tổn thương trong thời đại của ông Trump là họ tự xem mình là đồng minh của Mỹ. Thế nhưng, trong thế giới của ông Trump không còn khái niệm liên minh. Đó không phải là vì ông bất mãn với chuyện chi tiêu quân sự của châu Âu hoặc lập trường của châu lục này về Iran. Thay vào đó, trong một thế giới mà Mỹ chuyển từ một thế lực duy trì ổn định thành "kẻ phá bĩnh", các đồng minh giờ đây là gánh nặng. Họ có những kỳ vọng, đòi hỏi khiến chính sách Mỹ bị trói chân. Tệ hơn, họ coi trọng những việc nằm trong tầm với và sự nhân nhượng lẫn nhau - những thứ hoàn toàn "lệch pha" với thế giới quan của ông Trump.
Qua lăng kính của ông Trump, người ta không nhìn thấy bạn bè và kẻ thù, thay vào đó là người hâm mộ và kẻ thù. Người hâm mộ là những người trung thành dù có bất kỳ điều gì xảy ra. Kẻ thù cũng có giá trị bởi họ giúp giải quyết vấn đề. Một người có thể khẳng định quyền lực bằng cách trấn áp hoặc đối xử tốt với kẻ thù. Cách tiếp cận với vấn đề Triều Tiên của chính quyền ông Trump là một ví dụ hoàn hảo về điều này.
Châu Âu khó tránh số phận bi đát nếu nghĩ rằng vấn đề lúc này là tìm cách cứu vớt liên minh với Mỹ. Thời gian để làm điều đó đã qua. Thách thức lúc này đối với giới lãnh đạo châu Âu là học cách sống trong một thế giới mà Mỹ không có đồng minh. Họ có thể bắt đầu "cuộc sống mới" bằng cách chứng tỏ mình có thể tự bảo đảm an ninh và tăng cường khả năng quốc phòng để giảm bớt sự phụ thuộc - vốn đã quá nhiều - vào Mỹ.
Logic của thế giới thời hậu chiến tranh lạnh lâu nay vẫn là Mỹ duy trì ảnh hưởng toàn cầu thông qua việc bảo vệ và mở rộng các liên minh. Tuy nhiên, logic này không còn nữa. Nguy cơ nghiêm trọng nhất mà Liên minh châu Âu đối mặt là trở thành người bảo vệ một hiện trạng đã không còn tồn tại.
Bình luận (0)