Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 7-2 tiếp tục trải qua một ngày sóng gió khi Đảng Dân chủ leo thang nỗ lực chống đối những đề cử của ông cho nội các mới.
Cuộc bỏ phiếu chưa từng có
Họ suýt chút nữa đã làm nên chuyện tại cuộc bỏ phiếu cho ứng viên bộ trưởng giáo dục, nữ tỉ phú Betsy DeVos, tại thượng viện. Dù Đảng Cộng hòa (GOP) chiếm 52/100 ghế nhưng số phiếu ủng hộ và phản đối bà DeVos lại là 50-50 sau khi 2 thượng nghị sĩ Lisa Murkowski và Susan Collins đứng cùng chiến tuyến với phe Dân chủ. Vì thế, ông Mike Pence buộc phải đi vào lịch sử khi trở thành phó tổng thống đầu tiên bỏ phiếu để phá vỡ thế bế tắc chưa từng có tiền lệ này.
Kết quả trên khiến bà DeVos trở thành bộ trưởng được đề cử gây tranh cãi nhất của ông Trump cho đến giờ. Nhân vật này bị phản đối vì thiếu kinh nghiệm quản lý và quan điểm ủng hộ tư nhân hóa hệ thống giáo dục. Một vị trí gây chia rẽ sâu sắc khác là bộ trưởng tư pháp khi người được đề cử - Thượng nghị sĩ GOP Jeff Sessions - có quan điểm cứng rắn về nhập cư và quyền bỏ phiếu. Tại phiên tranh luận về ứng viên này hôm 7-2, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren của Đảng Dân chủ đã đọc lá thư chỉ trích ông Sessions được vợ của cố mục sư Martin Luther King Jr. viết cách đây 30 năm. Nội dung lá thư khi đó thúc giục thượng viện phản đối việc bổ nhiệm ông Sessions làm thẩm phán liên bang với cáo buộc ông này “đe dọa” cử tri da đen lớn tuổi khi còn là chưởng lý ở bang Alabama.
Phe Cộng hòa lập tức phản pháo, dẫn đến cảnh tượng hiếm thấy tại thượng viện. Một cuộc bỏ phiếu theo sau sự phản đối của ông Mitch McConnell, thủ lĩnh phe đa số của GOP tại thượng viện, đã cấm bà Warren phát biểu cho đến khi phiên tranh luận về ông Sessions dự kiến kết thúc trong ngày 8-2. Sự chia rẽ trong nội bộ GOP nói riêng và quốc hội nói chung tại 2 sự kiện nói trên là dấu hiệu mới nhất cho thấy chính quyền ông Trump không dễ thúc đẩy nhân sự và chương trình nghị sự bảo thủ của mình trong thời gian tới. Theo đài CNN, các thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ đang sử dụng đủ loại thủ thuật trì hoãn, như tẩy chay cuộc bỏ phiếu của các ủy ban thượng viện, để ngăn đất nước có “nội các kém chất lượng chưa từng có” - theo nhận định của ông Chuck Schumer, thủ lĩnh đảng này ở tại thượng viện.
Tiến trình chậm chạp
Tính luôn bà DeVos, nội các của ông Trump mới có 5 người được phê chuẩn (bộ trưởng giáo dục, quốc phòng, an ninh nội địa, ngoại giao và giao thông) trong lúc vẫn còn 10 người chờ qua “ải” thượng viện. Nếu lấy ngày 7-2 làm cột mốc, toàn bộ nội các của cựu Tổng thống George W. Bush năm 2001 đã bắt tay làm việc. Trong khi đó, nội các của ông Barack Obama năm 2009 chỉ còn 3 ứng viên chưa được phê chuẩn. Theo đài CNN, có một số lý do cho sự chậm trễ trong việc phê chuẩn nhân sự nội các thời ông Trump, như các ứng viên chậm nộp giấy tờ cần thiết, có lập trường gây tranh cãi hoặc gây lo ngại về vấn đề xung đột lợi ích. Dù vậy, không có gì lạ khi ông chủ hiện tại của Nhà Trắng hôm 8-2 cáo buộc phe Dân chủ trì hoãn tiến trình lập nội các của mình.
Trong nỗ lực đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn, GOP cảnh báo thượng viện sẽ phải làm việc vào những ngày cuối tuần này trừ khi Đảng Dân chủ chịu hợp tác. Thượng viện quy định thời gian tranh luận cho mỗi ứng viên là 30 giờ trừ khi phe Dân chủ đồng ý rút ngắn thời gian. Ngoài cuộc bỏ phiếu cho vị trí của ông Sessions vào tối 8-2 (giờ địa phương), thượng viện trong tuần này còn lên kế hoạch xem xét 2 đề cử khác là nghị sĩ Tom Price (Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ con người) và Steve Mnuchin (Bộ trưởng Tài chính).
Rắc rối nhân sự còn đe dọa bộ mặt của Nhà Trắng sau sự khởi đầu đầy sóng gió của thư ký báo chí Sean Spicer. Một số nguồn tin nói với đài CNN rằng nỗ lực tìm kiếm giám đốc truyền thông mới đang được đẩy nhanh sau khi ông Trump tỏ ra thất vọng với “màn trình diễn” của ông Spicer trong 2 tuần đầu tiên của chính phủ mới. Chánh Văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus cũng bị quy trách nhiệm cho việc lựa chọn ông Spicer bởi mối quan hệ thân cận giữa 2 người.
Ông Spicer làm cả thư ký báo chí và giám đốc truyền thông trong chính phủ mới dù 2 vị trí này thường do 2 người đảm nhận. Trong cuộc họp báo đầu tiên tại Nhà Trắng, ông Spicer ít nhiều bị mất điểm khi công khai chỉ trích giới truyền thông cố tình nói giảm về số người tham dự lễ nhậm chức của ông Trump.
Nhiều “mặt trận” chống đối
Những giới hạn đối với quyền lực của Tổng thống Donald Trump và bằng chứng được sử dụng để liên hệ 7 nước trong lệnh cấm nhập cảnh với khủng bố là những câu hỏi gai góc nổi lên trong phiên nghe tranh luận của Tòa Phúc thẩm Liên bang khu vực 9 hôm 7-2.
Phiên tranh luận qua điện thoại kéo dài 1 giờ này là cuộc chiến pháp lý quan trọng nhất đối với sắc lệnh gây tranh cãi của tân tổng thống. Ban Hội thẩm gồm 3 thẩm phán liên bang Michelle Friedland, William Canby và Richard Clifton - lần lượt do các cựu Tổng thống Barack Obama, Jimmy Carter và George W. Bush bổ nhiệm.
Bảo vệ yêu cầu khôi phục sắc lệnh cấm nhập cảnh có hiệu lực ngày 27-1, luật sư August Flentje đại diện cho Bộ Tư pháp Mỹ lập luận rằng quốc hội đã ủy quyền cho tổng thống kiểm soát ai được vào nước Mỹ, đồng thời khẳng định 7 quốc gia bị hạn chế có “sự hiện diện khủng bố đáng kể” hoặc là “nơi ẩn náu của chủ nghĩa khủng bố”. Vị luật sư cũng nêu rõ Bộ Tư pháp muốn hoãn thi hành phán quyết đình chỉ sắc lệnh của ông Trump trên cả nước mà thẩm phán liên bang James Robart, ở TP Seattle, bang Washington đưa ra hôm 3-2. Bác bỏ kiến nghị này, luật sư Noah Purcell, đại diện cho 2 bang Washington và Minnesota, đã nêu bật những tổn hại không thể khắc phục khi thực hiện lệnh cấm như gia đình bị chia tách, những người thường trú không thể ra nước ngoài, thất thu thuế…
Luật sư Flentje cũng đối diện những câu hỏi khó chịu do chính những phát ngôn “gậy ông đập lưng ông” của ông Trump trong chiến dịch tranh cử. Những cam kết gây sốc, như “đóng cửa nước Mỹ với người Hồi giáo”, nay trở thành bằng chứng bất lợi trong phần tranh luận về vấn đề lệnh cấm nhập cư có phải là sự phân biệt đối xử nhằm vào Hồi giáo hay không. Phán quyết dự kiến được đưa ra trong tuần này song cuộc chiến pháp lý nhiều khả năng chỉ có thể ngã ngũ ở Tòa án Tối cao.
Bên ngoài tòa án, chính quyền ông Trump đối mặt một “cuộc chiến” căng thẳng khác với giới chức bang California sau khi tân tổng thống đe dọa cắt ngân sách nếu bang này quyết che chở người nhập cư. Đài Fox News hôm 7-2 cho biết Thống đốc bang California Jerry Brown và các đồng minh thề sẽ đối đầu với ông Trump trên tất cả mặt trận, từ “thành phố trú ẩn” đến chính sách môi trường. “Nếu ông Trump để các vệ tinh ngừng hoạt động, California sẽ phóng vệ tinh của riêng mình” - vị thống đốc nêu quyết tâm.
Thu Hằng
Bình luận (0)