Theo kế hoạch, DPJ sẽ dùng đa số ghế tại Nghị viện để bầu ông Noda là thủ tướng kế nhiệm ông Naoto Kan vào ngày 30-8.
Trong vòng bỏ phiếu đầu tiên ông Kaieda đã về đầu. Tuy nhiên không có ứng cử viên nào trong cuộc đua gồm 5 ứng cử viên này giành được đa số phiếu. Ngoài ông Yoshihiko Noda và Banri Kaieda, 3 ứng cử viên còn lại là cựu ngoại trưởng Seiji Maehara, Bộ trưởng Lâm Ngư Nghiệp Michihiko Kano và Bộ trưởng Giao thông Vận tải Sumio Mabuchi.
Những người ủng hộ cựu ngoại trưởng Seiji Maehara – người đã bị loại ra sau vòng bỏ phiếu thứ nhất- đã chuyển sang ủng hộ ông Noda trong vòng bỏ phiếu thứ 2.
Tân thủ tướng của Nhật Bản sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề đau đầu trong đó có việc phải nỗ lực thống nhất sự chia cắt trong nội bộ đảng.
Nhật Bản cần được xây dựng lại sau thảm họa kép hồi tháng 3, và ngay sau đó là cuộc khủng hoảng tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I mà hệ lụy của nó vẫn chưa xử lý xong.
Không chỉ có thế, ông Noda còn cần phải vực dậy nền kinh tế trì trệ của Nhật Bản.
Khác với ông Kan, ông Noda muốn các lò phản ứng hạt nhân bị tạm dừng ở Nhật được khởi động lại và không ủng hộ lời kêu gọi vì một nước Nhật không có hạt nhân của người đứng đầu chính phủ. “Chúng ta hãy lao động cật lực vì lợi ích của người dân. Đây là mong mỏi chân thành của tôi” - ông nói sau cuộc bỏ phiếu.
Tân chủ tịch DPJ
Ông Yoshihiko Noda lớn lên tại Chiba, phía tây Tokyo. Không giống nhiều nhà lập pháp Nhật Bản khác, ông không xuất thân từ một gia đình chính trị, cha ông là một quân nhân.
Tốt nghiệp Đại học Waseda, và sau đó là Viện Matsushita của Nhật Bản, ông tham gia Noda bộ máy chính trị tại địa phương trước khi được bầu vào Quốc hội năm 1993. Ông từng là ứng cử viên của Đảng Nhật Bản Mới (đảng này hiện nay không còn tồn tại), nhưng lại tham gia đảng DPJ năm 2000. Sau khi giữ một số cương vị chủ chốt trong DPJ, ông Noda lên chức bộ trưởng tài chính năm 2010. Hiện, tân chủ tịch đảng DPJ đã kết hôn và có 2 con. Ông là fan trung thành của môn võ judo. |
Bình luận (0)